Đề xuất hoàn chỉnh chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

28/06/2019 | 07:41 GMT+7

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chính phủ cho biết có những vướng mắc nhất định nên đề nghị Quốc hội quan tâm.

Đất tại đô thị thành phố Vị Thanh.

Hạn chế, vướng mắc

Đó là một số chủ trương, chính sách của Đảng có tính chất định hướng lâu dài, có tính chiến lược nhưng chưa được thể chế hóa kịp thời do việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đầy đủ. Đặc biệt như vấn đề kinh tế, tài chính đất đai; định giá đất theo cơ chế thị trường; quy hoạch sử dụng đất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; giải quyết các vấn đề phức tạp, có tính lịch sử qua các thời kỳ như đất nông, lâm trường; công ty nông, lâm nghiệp; đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

Thực tiễn cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế đã phát sinh vấn đề mới nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa có quy định đầy đủ để kịp thời điều chỉnh như chính sách sử dụng đất cho người nước ngoài…

Một số nội dung quy định trong Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan có phạm vi điều chỉnh và nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ như: Chưa có sự thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư về chủ thể sử dụng đất; quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ định chủ đầu tư giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Nhà ở chưa thống nhất. Thẩm quyền chấp thuận sự cần thiết phải thu hồi đất và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư chưa thống nhất.

Chưa có sự đồng bộ giữa quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất; việc xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động với đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư; chưa có sự thống nhất và rõ ràng giữa pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư.

Có sự chồng lấn, không thống nhất trong quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch và các cấp quy hoạch thiếu khả thi, đồng bộ, thống nhất, tạo ra độ trễ làm chậm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch.

Ngoài ra còn có vướng mắc về các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương còn chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai còn chưa được rà soát, hệ thống hóa thường xuyên và kịp thời. Quy định về biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về trách nhiệm, hành chính, hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội

Từ những hạn chế, vướng mắc trên, về phía Quốc hội, Chính phủ kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các luật có liên quan như: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Xử lý vi phạm hành chính… nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập và phát sinh trong thực tiễn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; tạo điều kiện để các luật đi vào cuộc sống, thuận lợi cho công tác tổ chức thi hành; phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Kiến nghị, đề xuất Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 19 ngày 31-10-2012 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Kết luận số 36 ngày 06-9-2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19 và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất.

Cụ thể là về giao đất, cho thuê đất được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; thu hẹp hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để nuôi dưỡng nguồn thu; cơ quan tham mưu xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất là hai cơ quan độc lập; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất, khai thác nguồn lực đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư, giảm khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc thu hồi đất đối với các dự án sử dụng đất có vi phạm, nhất là thu hồi đất tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công; hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng…

Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện thể chế hóa chủ trương, chính sách về thuế sử dụng đất theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.

Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời, chính xác; đổi mới quy trình lập đề nghị, đánh giá tác động chính sách và quy trình xây dựng luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành luật.

Trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật cần xác định Luật Đất đai là “luật cơ bản”, phải đảm bảo sự ổn định; các luật khác có liên quan phải phù hợp với Luật Đất đai, tránh chồng chéo, không thống nhất; tăng cường vai trò của chính quyền đô thị, quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Chính phủ cũng nêu ý kiến, trong thời gian chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch đô thị như: tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; định giá đất theo mô hình vùng giá trị; ban hành Nghị quyết về cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng của quân đội để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay.

Khi ban hành Nghị quyết về giám sát quy hoạch, quản lý sử dụng đất đô thị, Quốc hội cần quy định cơ chế trích nguồn thu từ đất để đầu tư cho công tác quản lý đất đai, đặc biệt là việc hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, nhất là cơ sở dữ liệu về quy hoạch và giá đất.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>