Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

24/10/2019 | 18:52 GMT+7

Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông tin, bên cạnh rất nhiều mặt công tác đạt được kết quả, hiệu quả thì nhiệm vụ KH&CN còn một số tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh giải trình các vấn đề của ngành tại Hội trường Quốc hội.

Đó là việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là kết quả phát triển công nghệ từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp cần tiếp tục được quan tâm hoàn thiện để tạo thành sản phẩm, hàng hóa cung cấp cho thị trường. Nguồn đề xuất nhiệm vụ KH&CN hàng năm tuy nhiều nhưng chưa đáp ứng được nhiệm vụ, chưa gắn với thị trường, nhiều phiếu đề xuất nhiệm vụ còn trùng với kết quả nghiên cứu đã có.

Thị trường KH&CN phát triển còn chậm, còn thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu, nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế. Đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp do quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản lý. Việc thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia trong thời gian vừa qua còn khiêm tốn.

Việc ban hành văn bản để thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập còn chậm.

Các quy định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phục vụ kịp thời yêu cầu của thực tiễn; đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để đối mặt với thách thức và tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các bộ, ngành, địa phương cần được triển khai đi vào thực chất hơn...

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ KH&CN thời gian tới, Bộ này cho biết sẽ quan tâm khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Thu hút, chọn lọc có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới thông qua các dự án, nhiệm vụ hợp tác KH&CN, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục đổi mới cơ chế huy động và sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức KH&CN công lập, tổ chức và hoạt động của các quỹ KH&CN.

Hoàn thiện pháp luật về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, đồng thời thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0. Xây dựng Chiến lược Cách mạng này. Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.

Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.

Đồng thời, rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia. Phát triển tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN. Chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN...

Đối với thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, tập trung một số giải pháp tiếp tục tập trung ưu tiên triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách KH&CN trong các văn bản pháp luật, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển KH&CN trong công nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo thực sự là ngành công nghiệp nền tảng, có tác động mạnh hỗ trợ đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp khác.

Lựa chọn đầu tư chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo để triển khai giai đoạn đến năm 2025 mà Việt Nam có lợi thế, trong đó chú trọng tập trung đầu tư nghiên cứu một số nhiệm vụ có quy mô lớn, có tác động làm nền tảng phát triển ngành công nghiệp, gắn kết với các dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh cao và mang lại hiệu quả kinh tế.

Bộ KH&CN kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 việc xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) để phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế.

Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp, tiếp thu các đề xuất để bảo đảm các quy định pháp luật về KH&CN đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan. Bổ sung quy định về doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định về việc doanh nghiệp KH&CN hưởng ưu đãi về sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất; ưu tiên thuê đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao; vay vốn tín dụng ưu đãi...

Lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, thành tựu KH&CN đã được ứng dụng vào các lĩnh vực quản lý an ninh thông tin, công tác điện đài và nâng cao hiệu quả công tác an ninh thông tin, phản gián điện đài, công tác ngoại tuyến, quản lý xuất nhập cảnh. Các nghiên cứu khoa học đã góp phần giải quyết một số vấn đề phức tạp nổi lên trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm về kinh tế, ma tuý, tham nhũng, môi trường, tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, liên tỉnh, liên tuyến.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>