Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang chất vấn bộ trưởng

08/06/2018 | 07:47 GMT+7

Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang), Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong chất vấn bộ trưởng tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong:

- Xin Bộ trưởng cho biết, Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đã triển khai đến đâu? Bộ trưởng có cam kết sẽ đưa dự án trên vào sử dụng trong năm 2020 mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo vào ngày 26-5-2018?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời:

- Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai nhiều đợt nhưng tiến độ rất chậm, thậm chí không triển khai được. Mấu chốt của vấn đề là chưa thu xếp được vốn (khoảng gần 10.000 tỉ đồng - PV), đặc biệt dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng chưa có kế hoạch xây dựng, do đó các nhà đầu tư không hào hứng.

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đã biểu quyết để xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung, tháng 9 tới đây, chúng tôi sẽ phê duyệt dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Do đó, nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thu xếp vốn đối với 5 ngân hàng trị giá gần 7.000 tỉ đồng cùng với vốn của nhà đầu tư thì đủ để triển khai dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã trực tiếp thị sát dự án trên. Chúng tôi nghĩ với điều kiện hiện nay về vốn và mặt bằng gần như giải phóng xong (49/51km - PV) nên sẽ cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng là tới năm 2020 sẽ thông xe tuyến này.

Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, chúng tôi đã tổ chức mời thầu 1 tháng theo đúng quy trình. Đến nay có 4 liên doanh tham gia dự án, trong đó 3 liên doanh là toàn bộ doanh nghiệp trong nước, có 1 liên doanh trong nước với nước ngoài. Với 4 nhà đầu tư, chúng tôi đủ điều kiện để tiến hành đấu thầu. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang sơ tuyển, sau đó sẽ chính thức đấu thầu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong:

- Tôi thấy hiện nay nông dân mong con vào đại học nên có lúc phải cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền cho con ăn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cứ đào tạo, còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì loay hoay sắp xếp việc làm, cuối cùng sinh viên vẫn thất nghiệp. Bộ trưởng đã nêu ra thực trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay nhưng chưa đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn này và chưa nêu được trách nhiệm này thuộc về ai ?

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời:

- Tôi có báo cáo nhiều lần và nhiều đại biểu quan tâm vấn đề này, nhất là đã báo cáo 5 giải pháp cụ thể. Về trách nhiệm thuộc ai, trước hết tôi xin nói nếu là quản lý nhà nước về nguồn nhân lực thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin chịu trách nhiệm trước Chính phủ vấn đề này.

Cách đây 2 tháng, Chính phủ tiến hành sơ kết 5 năm chiến lược phát triển nhân lực. Trong sơ kết, Thủ tướng Chính phủ kết luận giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai 2 đề án lớn: Một là, đào tạo nghề để thích ứng công nghệ 4.0; hai là, xây dựng đề án dự báo cung cầu thị trường lao động để trên cơ sở dự báo cung cầu ấy định hướng đào tạo, định hướng chuyển dịch lao động. Nếu không xây dựng được đề án cung cầu thì làm sao biết ngành này cần trong 3 tháng, 5 năm, 10 năm tới,… là bao nhiêu?

Chúng ta đang đào tạo theo kiểu như một vị đại biểu nói là “đào tạo cái mà nhà trường có chứ không đào tạo theo thị trường”. Kinh nghiệm vừa qua khi các nước hội thảo ở Việt Nam nói nếu không làm tốt công tác dự báo cung cầu thì chúng ta sẽ là kiểu vừa đi vừa dò đường. Tôi xin tiếp thu ý kiến và sắp tới sẽ cụ thể hóa việc này.

Tuy nhiên, khi tham khảo kinh nghiệm các nước, trực tiếp sang gặp 2 Bộ trưởng của Singapore và Úc, tôi đề nghị 2 nước này giúp chúng ta xây dựng phương án để dự báo cung cầu; họ có dự báo 50 năm, 20 năm, 10 năm và 3 năm một lần. Trên cơ sở đó họ điều chỉnh dự báo dài hạn, trung hạn 1 năm 1 lần; ngắn hạn 3 tháng một lần. Ví dụ ngành công nghiệp cần bao nhiêu, dệt may cần bao nhiêu, ngân hàng cần bao nhiêu, họ đều dự báo được. Chúng tôi đã đề nghị nhưng còn tiếp tục đàm phán; đây là vấn đề khó nhưng cần làm sớm việc này.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>