Cử tri nói giá xăng, dầu chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường

03/05/2019 | 07:58 GMT+7

Nêu ý kiến của mình tại các lần tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri Hậu Giang cho biết: “Qua nhiều đợt tăng giảm giá, việc điều chỉnh giá xăng, dầu chưa thực sự như mong đợi của Nhân dân”.

Mua, bán xăng tại thành phố Vị Thanh. Ảnh: T.T

Không minh bạch

Cụ thể, thị trường xăng, dầu Việt Nam năm 2018 trải qua nhiều đợt tăng, giảm giá, việc điều chỉnh giá xăng, dầu do liên Bộ Tài chính và Công thương thực hiện chưa thực sự như mong đợi của Nhân dân. Đây là một nghịch lý mà giá xăng, dầu trong nước vẫn chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường, do phụ thuộc nhiều vào Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, vì theo Nghị định 83 ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, các đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước nắm giữ Quỹ bình ổn giá mà không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Chính điều này cho thấy sự không minh bạch trong sử dụng, quản lý Quỹ từ phía các doanh nghiệp, khi có hiện tượng muốn xả Quỹ bình ổn thì các doanh nghiệp kêu lỗ, khi lên sàn giao dịch thì công bố lãi lớn để tăng giá trị cổ phiếu.

Vì vậy, cử tri Hậu Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp điều chỉnh, thống nhất giao cho bộ, ngành liên quan quản lý Quỹ bình ổn giá xăng, dầu (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan).

Đã công khai, minh bạch

Bộ Tài chính cho biết, để tăng cường công tác quản lý, giám sát, điều hành giá xăng, dầu trong thời gian tới, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Bộ Tài chính xin ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Hậu Giang.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cho biết thêm, theo điểm d, khoản 1, Điều 40 Nghị định số 83 ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83), Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì điều hành giá bán xăng, dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu thông qua cơ chế hoạt động của tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu; Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ.

Thời gian qua, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước theo quy định tại Nghị định số 83.

Theo đó, công tác điều hành giá được thực hiện thông qua giá cơ sở (giá tối đa); việc xây dựng giá cơ sở đảm bảo bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới. Việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được gắn với công tác điều hành công bố giá cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu kiềm chế việc tăng giá đột biến, góp phần kiểm soát lạm phát và hạn chế gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết thêm, theo quy định tại Luật Giá, xăng, dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Theo đó, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được quy định chi tiết tại Nghị định số 83; Thông tư số 39/2014 của liên Bộ Tài chính và Bộ Công thương quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng, dầu theo Nghị định 83; Thông tư liên tịch số 90/2016 của liên Bộ Công thương, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư liên tịch số 39.

Việc trích Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng, dầu, góp phần bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát.

Khi xét thấy giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá xăng, dầu có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, liên Bộ Công thương, Bộ Tài chính linh hoạt cho phép sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bù đắp hết hoặc một phần chênh lệch này. Khi đó, giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá hiện hành; phần chênh lệch còn lại được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>