Chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra sôi nổi, chất lượng

20/11/2020 | 09:16 GMT+7

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, phiên chất vấn tại kỳ họp diễn ra sôi nổi, chất lượng, hiệu quả với số lượt hỏi - đáp tăng lên đáng kể.

Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Chất vấn mang tính xây dựng cao

Tại kỳ họp, Quốc hội đánh giá, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ tài liệu, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao, không né tránh, vòng vo. Việc tranh luận với các lập luận chặt chẽ, sắc sảo, có tính thuyết phục và xây dựng cao, cùng nhau trao đổi để đưa ra các định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Qua phiên chất vấn cho thấy, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực đã được chất vấn, giám sát, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, nhất là có giải pháp khắc phục đối với những vấn đề chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, sau khi xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng chống tham nhũng năm 2020, Quốc hội cho rằng, công tác của ngành tòa án và kiểm sát, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được những kết quả quan trọng; đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cơ quan để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo quy định của Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, góp phần quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan; từ đó, kiến nghị nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, khả thi nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác này.

Thông qua 7 luật, 13 nghị quyết

Về công tác lập pháp, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng - an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Về xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội thống nhất cho rằng, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ nhưng có nhiều biến động, khó khăn, nhất là những thách thức rất lớn từ tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Song với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, tăng cường quản lý thu; phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết… và kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội, miễn, giảm, giãn thuế, phí, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân, góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống Nhân dân, khẳng định được uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Về nội dung này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>