Cần tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

19/02/2021 | 06:16 GMT+7

Tăng cường xuất khẩu; hỗ trợ vốn, khoa học, kỹ thuật; có chính sách bao tiêu đầu ra, bảo đảm giá cả hợp lý... để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là mong muốn của cử tri Hậu Giang kiến nghị đến Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, cử tri Hậu Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch, quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, có giải pháp tăng cường xuất khẩu, quy hoạch các loại nông sản chuyên canh là thế mạnh của từng vùng, miền; ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có chính sách bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm giá cả hợp lý để Nhân dân yên tâm sản xuất, lợi nhuận cao.

Giải trình, làm rõ những kiến nghị trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2019, hiện nay, không còn các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể. Do vậy, việc lập quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, quy hoạch các loại nông sản chuyên canh là lợi thế của từng vùng như kiến nghị của cử tri không còn phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc định hướng phát triển các loại nông sản chuyên canh lợi thế của từng vùng, miền được Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện theo Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; theo đó đã có kế hoạch về định hướng phát triển lúa chất lượng cao theo từng vùng cụ thể. Bộ đang xây dựng Đề án “Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, dự kiến sẽ ban hành vào quý I năm 2021.

Đồng thời, đang chỉ đạo xây dựng, dự kiến ban hành trong năm 2021 các đề án phát triển chè, cà phê, tiêu, điều… để triển khai thực hiện. Ngoài ra, đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương lồng ghép nội dung, định hướng phát triển các loại nông sản chuyên canh là lợi thế của địa phương vào quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã triển khai quyết liệt công tác phát triển thị trường, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam nhằm tăng cường xuất khẩu. Cụ thể là tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường; phát triển ngành chế biến ngành rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới và phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại giai đoạn 2020-2030.

Về tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường, Bộ đã tích cực đàm phán, tháo gỡ khó khăn mở cửa thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu. Hiện Bộ tiếp tục tập trung vào các hoạt động tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar... Đến nay, nông sản Việt đã xuất khẩu đến khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tổ chức các hoạt động giới thiệu, thông tin về sản phẩm nông sản thông qua các đoàn công tác của các cấp lãnh đạo (Chính phủ, Bộ, ngành), các hội chợ, triển lãm ngành nông nghiệp, các diễn đàn kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Chưa kể, Bộ thường xuyên cung cấp thông tin, dự báo về tình hình, diễn biến thị trường và giá cả nông sản tới các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm định hướng sản xuất theo tín hiệu của thị trường, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung. Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng.

Đó là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 05/6/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/8/2018 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với các chính sách trên, để tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng nhằm cung cấp cho sản xuất các giống có năng suất, chất lượng, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành đánh giá, rà soát các chính sách đã có; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thực hiện thành công tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>