Vượt khó cùng doanh nghiệp

18/03/2020 | 19:49 GMT+7

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Sự vào cuộc và trợ lực kịp thời của ngành chức năng lúc này góp phần giúp DN vượt qua tác động của dịch bệnh, duy trì và khôi phục sản xuất.

Doanh nghiệp vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch vừa nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Đầu ra đang là vấn đề lo lắng của các doanh nghiệp, khi các thị trường xuất khẩu lớn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu làm những định hướng đa dạng và mở rộng thị trường lúc này cũng là bài toán khó. Ông Lê Công Lập, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh, cho biết: Đầu ra hàng hóa đang gặp khó vì một số đối tác ở các nước tạm ngưng nhập hàng. Công ty phải thuê thêm kho trữ hàng ở thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, số lượng kho ở đây cũng trong tình trạng “quá tải” nên gần đây phải chở lên tỉnh Long An thuê kho làm chi phí tăng lên. Việc gặp gỡ đối tác, khách hàng từ nước ngoài sang tìm hiểu hiện nay công ty chủ trương tạm ngưng vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong thời gian này, đa số doanh nghiệp phải điều tiết lại sản lượng do hàng hóa chưa xuất đi được. Không chỉ ở hiện tại mà tình hình này còn ảnh hưởng đến nhiều dự định của doanh nghiệp trong tương lai. “Dự án sản xuất sản phẩm rau củ chiên giòn xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc đều phải định hướng lại để vừa phục vụ xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa, bởi tình hình hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường nhất định”, ông Lê Công Lập thông tin thêm.

Theo ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy Sản Minh Phú Hậu Giang, sản phẩm của công ty xuất khẩu đi thị trường trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch Covid-19 có thể làm giảm sản lượng hàng xuất khẩu vì một số nước có dịch dừng nhập hoặc kéo dài thời gian dẫn đến chi phí tồn kho của DN tăng.

Dịch Covid-19 còn tác động đến nhiều DN vận tải, trong đó có vận tải biển, cảng biển và các dịch vụ hàng hải. Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Vinalines Hậu Giang, thông tin: Khi có thông tin về dịch bệnh, công ty đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó. Đến nay, sản lượng hàng hóa qua cảng đã giảm 30%, tức là mức cao nhất theo kịch bản xây dựng. Đặc biệt là theo hợp đồng ký kết với đối tác, mỗi tháng có khoảng 20.000 tấn hàng hóa quá cảnh để sang Phnom Penh (Campuchia), nhưng trong 3 tháng qua không thể thực hiện, làm doanh thu giảm khoảng 360.000 USD. Chắc chắn điều này sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu cả năm và tác động đến đời sống, thu nhập của nhân viên và người lao động trong công ty.

Trong bối cảnh sản lượng và doanh thu đều giảm, hàng hóa tồn đọng, các DN vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất song song với thực hiện chặt chẽ các công tác phòng, chống dịch nơi làm việc. Do đặc thù các ngành công nghiệp chế biến phải cần tới hàng ngàn người trong khâu sản xuất. Bên cạnh chủ động mua sắm các thiết bị y tế cần thiết, các DN trong tỉnh còn mong sự hỗ trợ tích cực từ ngành y tế địa phương trong công tác hướng dẫn phòng dịch, hỗ trợ phun xịt khử khuẩn theo tiêu chuẩn y tế để đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động.

Trợ lực cho doanh nghiệp

DN là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà tăng trưởng. Trong tình hình này, điều DN cần chính là sự trợ lực kịp thời để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn để vực dậy mạnh mẽ hơn sau thời gian dịch bệnh. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh đã tổ chức buổi họp để nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã kịp thời ghi nhận, động viên các DN trong tỉnh nỗ lực vượt khó, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để chủ động chuẩn bị triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ khi có chủ trương của Chính phủ, sau đó tăng cường thông tin các chính sách hỗ trợ này để các DN trong tỉnh nắm bắt kịp thời. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cho DN để tháo gỡ phần nào khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị các DN cần nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để làm báo cáo đánh giá mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 để thực hiện giãn nợ, miễn giảm lãi vay… theo Thông tư Ngân hàng Nhà nước ban hành. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành dự thảo về nghị định gia hạn thời gian nộp thuế thêm 5 tháng trong năm 2020 đối với các đối tượng là DN, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thuộc các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú… Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn hướng dẫn tạm dừng đóng BHXH và quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch Covid-19. Điều này cũng phù hợp với đề xuất từ các DN của tỉnh trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng như hiện nay.

Ngoài ra, để hỗ trợ các DN trong công tác phòng, chống dịch, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức một buổi hướng dẫn phòng, chống dịch và giải đáp 12 thắc mắc do DN trong khu công nghiệp - cụm công nghiệp tập trung đặt ra về vấn đề cách ly tại chỗ, cách ly tập trung và các triệu chứng của bệnh; thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trong tỉnh, các số điện thoại đường dây nóng của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từng địa phương để ổn định tâm lý người lao động, tránh tác động của các thông tin sai lệch làm hoang mang, gây đình trệ sản xuất.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>