Tỉnh táo khi mua sắm trong mùa dịch

19/07/2021 | 09:30 GMT+7

Theo đánh giá của ngành chức năng, tính đến thời điểm này các loại hàng hóa, nhất là nhóm thực phẩm có biến động về giá do tác động từ nhu cầu cao và cả khâu vận chuyển nhưng nguồn cung nhìn chung vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, ở một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ ở vài sản phẩm do thói quen mua sắm, thị hiếu của người tiêu dùng. 

Các loại thực phẩm đóng gói đa dạng, phong phú về chủng loại, số lượng trên thị trường.

Khoảng 2 tuần nay, hình ảnh người đi chợ tay ôm thùng mì trở nên quen thuộc trước mỗi cửa hàng tạp hóa tại chợ. Bà Mã Tuệ Dung, bán tạp hóa tại nhà lồng chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho biết sức mua tăng mạnh nhất là các loại mì, hủ tiếu gói, người mua nhiều thì 1-2 thùng còn ít cũng 10 gói. Bà nhập bán cả chục loại nhưng vào các đợt cao điểm này thị hiếu người mua tập trung nhiều vào một số loại nhất định nên lượng hàng về không kịp cung ứng, trong khi đó các nhãn hiệu khác vẫn còn nhiều nhưng không hút hàng bằng.  

Người dân chọn mua các thực phẩm đóng gói, gia vị tại tiệm tạp hóa.

“Như mới đây có khách ghé qua hỏi mua một thùng mì H.H nhưng tôi đã hết hàng, dù giới thiệu thêm mấy loại mì khác thay thế, giá cả tương đương hoặc rẻ hơn nhưng khách vẫn từ chối. Tôi cũng muốn bán được nhiều nhưng có lẽ các nơi đều hút mặt hàng này nên hàng về đứt quãng. Riêng các loại hàng hóa khác nói chung giá cả không biến động quá nhiều. Chỉ có dầu ăn và đường cát có tăng nhẹ khoảng 2.000 đồng, do các đại lý phân phối nhỏ tăng giá theo chi phí vận chuyển, còn lại các loại hàng khác từ công ty lớn vẫn giữ nguyên”, bà Dung cho biết thêm.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, ở phường V, thành phố Vị Thanh, bước ra từ nhà lồng chợ Vị Thanh, than thở: “Đi mấy tiệm tạp hóa trong nhà lồng chỗ nào cũng hết mì H.H, có chỗ hẹn chiều quay lại, có chỗ hẹn tới ngày mai”. Khi được hỏi lý do không chọn mua loại mì khác để ăn trong thời gian dài, chị Hân cho biết đây là loại phổ biến, dễ mua và gia đình cũng quen sử dụng rồi nên chị sẽ tìm mua tiếp ở các tiệm khác trên đường về nhà.

Tại thành phố Ngã Bảy, ông Bạch Nhật Trường, Phó Trường phòng Kinh tế - Hạ tầng, thông tin: Hiện tại phòng luôn theo sát diễn biến thị trường, cập nhật thông tin hàng ngày và tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình giá cả hàng hóa. Tại chợ trung tâm Ngã Bảy, nơi tập trung đông người dân mua sắm, phục vụ cung ứng hàng hóa không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh lân cận. Hiện nay người dân đi chợ ít hơn so với những ngày trước, do đã mua nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, mì gói, bột ngọt, đồ đóng gói dự trữ, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Đáng lưu ý là nhiều người dân tập trung vào mua một hoặc một vài loại dẫn đến hiện tượng hết hàng cục bộ. Đơn cử như mì H.H trên địa bàn có lúc người dân ra cửa hàng tạp hóa tìm mua nhưng nhiều nơi hết hàng, có lúc giá bán còn tăng lên so với bình thường và người dân đã phản ánh đến ngành chức năng. Trong khi nhiều loại mì khác vẫn còn số lượng nhiều. Phòng Kinh tế đã khảo sát, tìm hiểu và thông tin rõ để tránh gây hoang mang cho người dân.

Khi sản phẩm quá hút hàng dễ dẫn tới gian thương lợi dụng để trục lợi. Vừa qua, thông tin từ hệ thống Saigon Co.op, có hiện tượng lợi dụng việc giá cả bình ổn ở siêu thị và nhu cầu tăng cao thời điểm này, một số cá nhân đã mua gom các mặt hàng có nhu cầu cao từ siêu thị đem ra ngoài bán, dẫn đến một vài mặt hàng hết cục bộ, bổ sung không kịp và người dân có nhu cầu thật sự muốn mua lại không thể mua được hàng. Ngành Công thương tỉnh luôn khuyến cáo người dân hãy mua với một lượng vừa đủ dùng, không dự trữ quá mức cần thiết và dành phần cho nhiều người khác đến mua, vừa góp phần giảm tình trạng hết hàng cục bộ, khan hiếm ảo và không để kẻ xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh mà đầu cơ, tăng giá bán.

Theo Sở Công thương tỉnh và tổng hợp ghi nhận tại các địa phương vào cuối tuần qua, lượng người dân đi chợ giảm so với tuần trước do đã mua hàng tích trữ những ngày qua và một phần e ngại dịch bệnh. Lượng hàng hóa vẫn dồi dào, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng về giá cả có tăng nhẹ. Tuy nhiên do vận chuyển hàng hàng hóa từ các tỉnh về Hậu Giang chậm hơn trước đây do thực hiện các thủ tục khai báo y tế, lượng xe quá đông nên từng lúc hàng hóa về không kịp, xảy ra tình trạng đứt hàng cục bộ.

Để bình ổn thị trường, không tạo nên làn sóng hoang mang, cần sự phối hợp điều tiết giữa nhà sản xuất, phân phối và quan trọng nhất là người tiêu dùng. Khi chuẩn bị cho các tình huống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, người dân cần tạo thói quen mua sắm thích ứng linh hoạt với nhiều thay đổi kể cả khi nguồn cung các mặt hàng biến động. Thay vì mua hàng trong vội vã, hấp tấp hoặc chạy theo số đông thì tập trung mua số lượng phù hợp ở mỗi nhóm thực phẩm, ưu tiên tìm hiểu nhiều cách dự trữ thực phẩm khoa học, tính đến hạn sử dụng để đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng trong suốt thời gian phòng, chống dịch.

Lợi dụng dịch bệnh, đầu cơ hàng hóa có thể bị xử lý hình sự

Đầu cơ là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh... hoặc tình hình khó khăn về kinh tế, mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính. Hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ, theo Điều 196 Bộ Luật Hình sự có khung quy định phạt tiền lên đến 1,5-5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

 

Bài, ảnh: T.NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>