Thúc đẩy tiêu thụ nông sản chủ lực

12/07/2020 | 13:58 GMT+7

Truy xuất nguồn gốc mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp và hợp tác xã xây dựng thương hiệu vững chắc và niềm tin với người tiêu dùng, từng bước tiến ra thị trường ngoài tỉnh và xa hơn là hướng đến xuất khẩu.

11 sản phẩm nông sản chủ lực tham gia đề án truy xuất nguồn gốc.

Hướng đi tất yếu

Giữa rất nhiều sản phẩm bày bán trên thị trường mỗi ngày, bên cạnh chất lượng, người tiêu dùng hiện đại ngày càng quan tâm đến bao bì, nhãn mác và nhiều thông tin liên quan để phân biệt với các mặt hàng trôi nổi, hàng giả, hàng nhái… Xa hơn nữa, yêu cầu thị trường xuất khẩu ngày càng cao, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc các doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc để hoàn thiện sản phẩm từ phẩm chất đến bao bì, nhãn mác cũng như các yêu cầu khác về truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị hàng hóa.

Tại Hậu Giang, truy xuất nguồn gốc còn khá mới đối với nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhất là ở quy mô vừa và nhỏ, các tổ hợp tác và hợp tác xã. UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương xây dựng đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2019. Đề án là bước chủ động chuẩn bị cho doanh nghiệp “hành trang” cần thiết, tránh bị đào thải khỏi dòng phát triển của thị trường. Đề án đặt mục tiêu hỗ trợ 3 triệu tem (gồm 2 triệu tem dán và 1 triệu tem treo) cho các cơ sở, hợp tác xã.

Sau hơn 1 năm triển khai, 11 loại nông, thủy sản từ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có tem khi xuất bán ra thị trường. Từ các loại sản phẩm tươi như quýt đường, mãng cầu, chanh không hạt, khóm Cầu Đúc, bưởi da xanh, xoài cát Bảy Ngàn đến các sản phẩm chế biến là trà mãng cầu, cá thát lát, kẹo đậu phộng, sữa dê. Loại tem do đề án hỗ trợ là tem dạng mã QR Code chỉ cần dùng thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng để nhận diện nhanh và nắm thông tin liên quan về nguồn gốc, ngày sản xuất, lô sản xuất, hạn sử dụng cùng nhiều tiêu chuẩn an toàn và lưu ý khác.

Nhiều cơ sở, hợp tác xã đã chủ động nắm bắt, đăng ký tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu dù nội dung hoàn toàn mới mẻ, mức độ áp dụng công nghệ cao và đòi hỏi phải học hỏi thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng. Tổng cộng có 24.000 tem đã cấp được cơ sở áp dụng lên sản phẩm của mình. Tuy mới là bước đầu nhưng các cơ sở đều nhận thấy sự thuận lợi khi tiêu thụ, tiếp cận thị trường, nhất là các thị trường khó tính. Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, cơ sở Trà mãng cầu Diễm Phượng, cho biết: Cơ sở đã dán tem truy xuất nguồn gốc khoảng 3.000 sản phẩm thử nghiệm trong thời gian đầu và hiệu quả mang lại rất khả quan. Bởi thông qua đó, một số doanh nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã chủ động tìm tới đặt hàng nhờ thông tin trên tem, dù cơ sở chưa giới thiệu hay quảng bá ở các thị trường trên. Điều này chứng tỏ niềm tin của đối tác tăng đáng kể.

Tương tự, bà Nguyễn Kim Thùy, Hợp tác xã nông nghiệp Kỳ Như cũng thông tin nhờ tem truy xuất nguồn gốc mà sự phục hồi tiêu thụ sản phẩm sau dịch Covid-19 của hợp tác xã tiến triển tốt. Không chỉ thị trường lâu năm mà mở ra các nơi mới. Sắp tới, cơ sở còn tăng cường sản xuất, thuê thêm lao động để hoàn thành kịp đơn hàng.

Đa dạng sản phẩm

Thực hiện đề án sớm so với yêu cầu nhưng theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh thì trong quá trình thực hiện vẫn còn khó vì một số cơ sở, hợp tác xã còn hạn chế về trang thiết bị, thao tác cập nhật, quản lý thông tin ban đầu còn cập rập dù được cán bộ đề án theo sát hỗ trợ. Một số cơ sở chưa mạnh dạn tham gia do quy mô nhỏ và đầu ra sản phẩm chưa nhiều. Số lượng tem đăng ký còn khá ít so với tổng số tem được hỗ trợ (mới đạt 2,3%).

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cũng cho rằng sản phẩm tem dán truy xuất nguồn gốc cần cải tiến phù hợp với từng sản phẩm cụ thể. Bà Đặng Thị Ngọc Đào, cơ sở chăn nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào, ở huyện Châu Thành A, chia sẻ: Sản phẩm chế biến của cơ sở thường được bảo quản lạnh nên tem dán từng sản phẩm dễ bị tróc, rách. Nếu tiếp tục tham gia đề án, cơ sở mong muốn áp dụng loại tem in trực tiếp lên bao bì vừa tiết kiệm thời gian, nhân công lao động vừa hiệu quả khi vận chuyển và bày bán.

Các địa phương có sản phẩm tham gia đề án thì nhận định: Từ đầu thực hiện đơn vị đề án cần thông tin cho các cơ sở tham gia hiểu rõ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để áp dụng cho đúng chứ không chỉ là thông tin giới thiệu chung chung, cơ sở phải nắm chắc yêu cầu bắt buộc của hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu và đưa ra các quy định, cơ chế giám sát rõ ràng và cụ thể để đảm bảo các cơ sở đều cung cấp thông tin chính xác.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Truy xuất nguồn gốc là hướng đi để các cơ sở sản xuất nông sản nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đầu ra ổn định. Trong thời gian triển khai đề án, đơn vị thực hiện cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan và hỗ trợ cho các cơ sở, hợp tác xã. Với hiệu quả mang lại, sắp tới đề án cần được nhân rộng lên nhiều loại sản phẩm khác trong tỉnh, nhất là sản phẩm nông sản đã và đang xây dựng mã vùng trồng, sản phẩm sạch được chứng nhận. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu các công nghệ mới để bắt kịp xu thế phát triển, tiết kiệm thời gian và công sức lao động cho cơ sở trong quá trình thực hiện đề án, cải tiến chất lượng và tăng số lượng tem dán. Đối với các cơ sở tham gia, cần thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và giữ vững chất lượng sản phẩm, có như vậy mới góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Hậu Giang bền vững...

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>