Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng hóa

14/01/2021 | 19:00 GMT+7

Năm 2020, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại... nên đảm bảo được hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trên địa bàn. Dù vậy, thời điểm Tết Nguyên đán thì lượng hàng hóa dồi dào sẽ là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... vào tỉnh để tiêu thụ nên công tác kiểm tra, kiểm soát cần chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn để góp phần hạn chế hàng kém chất lượng vào địa bàn.

Không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng

Trong năm 2020 do chịu tác động chung của cả nước về dịch tả heo châu Phi, Covid-19, bão lũ, triều cường… làm ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng, giá cả một số mặt hàng có tăng, giảm nhưng mức độ biến động không lớn và giá cả thị trường được kiểm soát tốt, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá làm bất ổn thị trường. Tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn ra nhưng không diễn biến phức tạp; các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn xảy ra nhưng với quy mô nhỏ. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hình thức kinh doanh online trở nên phổ biến, các tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức kinh doanh này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và rất khó phát hiện.

Trong năm qua, Đoàn công tác Ban chỉ đạo 389 và đoàn kiểm tra của lực lượng chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra 6.847 vụ thì có 339 vụ vi phạm. Trong đó, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu là 148 vụ, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019; gian lận thương mại 169 vụ, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2019; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 22 vụ, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiến hành khởi tố hình sự 4 vụ, với 5 đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; xử lý vi phạm hành chính 325 vụ; tổng số thu nộp ngân sách trên 2,7 tỉ đồng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, trong năm qua, đơn vị đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra 7 cuộc với 194 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi các loại, chế phẩm sinh học, hóa chất dùng trong thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi thủy sản. Đồng thời, lấy 114 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để kiểm tra chất lượng. Kết quả kiểm định có 29 mẫu không đạt chất lượng; 15 mẫu không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 52 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 226 triệu đồng.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho rằng, lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các đơn vị chức năng còn mỏng; kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác của một số đơn vị vẫn còn thiếu, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu. Tới đây, Ban chỉ đạo 389 tỉnh sẽ xây dựng và triển khai kịp thời các phương án, tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trên thị trường. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thiết yếu như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm, các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng để phòng, chống dịch.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, dự báo trong năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những thuận lợi và khó khăn nhất định, song vẫn còn khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giá cả hàng hóa vẫn còn tiếp tục chịu tác động của thị trường trong và ngoài nước, khu vực và thế giới. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng tuy không diễn biến phức tạp như các tỉnh trong khu vực, song vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng xấu đến tình hình thị trường, sức khỏe, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Vì vậy, các ngành liên quan của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Ngành chức năng tỉnh luôn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trong dịp tết.

Kiểm soát chặt hàng hóa tết

Trong Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 28/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tết năm 2021 trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trước, trong và sau tết. Phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao để thu lợi bất chính. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dự trữ cung ứng đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân. Triển khai hoạt động cung cầu, thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo dõi diễn biến giá cả thị trường, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa bình ổn, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gây sốt giá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, sẽ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó sẽ xác định tuyến, địa bàn hàng hóa trọng điểm. Tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường bộ, đường thủy, khu vực nông thôn, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại. Phân công rõ nhiệm vụ và xác định trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc đơn vị quản lý. Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực, địa bàn giáp ranh. Ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng như ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp… nhằm đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài ra, chủ động các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát; chỉ đạo điều phối công tác phối hợp lực lượng trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm trong thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng. Đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân; các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2020, Ban chỉ đạo 389, các bộ, ngành, địa phương cả nước đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt. Theo thống kê, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 24.817 tỉ đồng, tăng 15,39% so với cùng kỳ; khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3% so với cùng kỳ), với 3.502 đối tượng (tăng 49,46% so với cùng kỳ).

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>