Sức mua ở chợ truyền thống “tăng nhiệt”

13/07/2021 | 08:47 GMT+7

Khi trong tỉnh ghi nhận những cas nhiễm Covid-19 đầu tiên thì tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm đã tăng mạnh.

Nhiều người mua hàng số lượng tăng so với thường ngày để hạn chế số lần đi chợ.

Từ cuối tuần trước, số lượng khách hàng ra các chợ, hệ thống siêu thị mua thực phẩm và đồ dùng khá đông, hút hàng nhất là gạo, mì gói, sữa, các loại thực phẩm đóng gói, rau, củ, quả, thịt heo… Chỉ trong buổi sáng, nhiều người bán ở nông thôn đã bán hết khá nhiều loại rau, củ, trong khi bình thường phải ngồi đến 9-10 giờ mới bán hết. Bà Trần Thị Như Lan, bán hàng nông sản tại chợ Vị Thanh, cho biết: “Bầu, mướp, bí đao, bí đỏ bán rất nhanh. Mỗi người ra mua gấp đôi, gấp ba lần bình thường mà số lượng tôi lấy về không tăng theo kịp nên hết hàng khá sớm. Khách đa số là mua về để ăn vài ngày tới 1 tuần mới đi tiếp”.

Theo tìm hiểu tại chợ Vị Thanh, người dân không chỉ mua thực phẩm dùng trong gia đình, mà nhiều người còn mua để gửi lên cho người thân đang sinh sống ở các tỉnh có dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó một số mặt hàng nông sản, nhất là các loại củ, quả có thể dự trữ lâu, ít bị hỏng, giập khi chở đi xa rất hút người mua, không chỉ mối bán lẻ mà cả những mối lấy hàng số lượng nhiều.

Giá cả các mặt hàng nông sản đều có sự biến động ở các chợ. Giá tăng mạnh nhất là nhóm các mặt hàng có nguồn gốc lấy từ ngoài tỉnh, như bông cải hiện nay chi phí vận chuyển tăng và hút hàng về các vùng có dịch nên nguồn cung về chợ giảm, giá có khi đến 48.000 đồng/kg nên người bán cũng hạn chế nhập hàng. Tăng từ 5.000 đồng/kg trở lên là khoai ngọt, bí đỏ, dưa leo… giữ ở mức 25.000 đồng/kg; bầu, bí đao, đậu đũa, bắp cải, khoai lang có giá 20.000 đồng/kg. Các loại rau xanh, rau gia vị tăng khoảng 10% so với ngày thường. Trứng vịt cũng tăng từ 25.000 đồng lên 28.000-30.000 đồng/chục. Thịt heo tuy sức mua tăng nhưng giá cả nhìn chung vẫn không có biến động so với tuần trước, từ 90.000-120.000 đồng/kg.

Ngoài các mặt hàng nông sản, tươi sống, các loại hàng hóa chế biến sẵn, đóng gói và gạo cũng ghi nhận có số lượng bán ra tăng cao. Bà Châu Thị Mỹ Phượng, bán tạp hóa tại chợ thị xã Long Mỹ, cho biết: “Khách hàng đến mua chỗ tôi đông lên từ 4-5 ngày nay, mà chủ yếu là mua mì gói, sữa, kế đến là các đồ dùng nhiều trong gia đình như đường, nước mắm, bột ngọt, mấy loại đồ gói khác… Do các loại hàng này đã có sẵn từ trước nên hiện giờ giá bán vẫn giữ nguyên.

Trên địa bàn thị xã Long Mỹ có 7 chợ. Hiện tại chợ Long Phú và chợ Tân Bình 1, xã Long Phú đã ngưng kinh doanh tạm thời do có liên quan đến cas nghi nhiễm Covid-19, các chợ còn lại hoạt động bình thường. Ghi nhận từ ngành chức năng từ thời điểm ngày 10-7 cung - cầu hàng hóa tại thị xã Long Mỹ tương đối ổn định. Còn tại huyện Châu Thành, chợ Mái Dầm đang nằm trong vùng cách ly y tế, các chợ còn lại vẫn hoạt động bình thường. Giá cả một số mặt hàng thực phẩm tăng, hút hàng cục bộ ở một số nhóm hàng thiết yếu do người dân tăng cường mua sắm, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.

Đoàn kiểm tra của Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tình hình buôn bán, cung ứng các mặt hàng thiết yếu.

Trước tình hình sức mua gia tăng ở các chợ, siêu thị, Sở Công thương tỉnh phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh, buôn bán, cung ứng hàng hóa ngay trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, nhằm kịp thời xử lý khi có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh gây bất ổn thị trường, găm hàng, tăng giá bán đột biến. Mặt khác còn kiểm tra, chấn chỉnh những nơi mua bán thực hiện nghiêm các công tác phòng, chống dịch, bởi đây là những nơi có lượng người tập trung đông và hoạt động thường xuyên để cung ứng hàng hóa thông suốt phục vụ cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông tin: Hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu cho bà con, từ thực phẩm công nghệ đến rau, củ, quả, thịt các loại, chưa có hiện tượng găm hàng. Chuẩn bị cho nhiều tình huống, ngành công thương tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp phân phối đã xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa và bình ổn giá cả. Do đó, khuyến cáo người dân không quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu tích trữ, dễ dẫn đến hết hàng cục bộ. Lúc này người tiêu dùng giữ bình tĩnh, mua sắm hợp lý cũng là góp phần phòng, chống dịch.

Ngoài hệ thống 72 chợ truyền thống, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng bách hóa, phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay... Một số đơn vị còn tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, giao hàng tận nhà góp phần hạn chế tụ tập đông người tại các điểm bán hàng.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>