Sôi động tại các dự án công nghiệp

07/03/2018 | 08:20 GMT+7

Hàng loạt những kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đang triển khai tại các khu, cụm công nghiệp đã biến nơi đây thành vùng đất sôi động, đầy sức sống ngay từ những tháng đầu năm. Đây sẽ là động lực, hứa hẹn tạo sức bật cho khu vực II, cũng như trở thành cú hích để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư.

Hàng loạt những kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đang triển khai tại các khu, cụm công nghiệp.

Bước ngoặt cho ngành logistics

Hiện Hậu Giang có 3 cảng trên sông Hậu đang hoạt động gồm cảng thương mại tổng hợp Vinalines Hậu Giang phục vụ tàu có tải trọng tối đa 20.000DWT và 2 cảng chuyên dùng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam. Cầu cảng thương mại đã đóng vai trò như là một dự án động lực, một thỏi nam châm thu hút các dự án khác đến đầu tư vào khu, cụm công nghiệp.

Trong một thời gian dài, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (Vinalines Hậu Giang) tập trung tái cơ cấu. Tuy vậy, trong 2 năm gần đây, Vinalines Hậu Giang đã thay đổi chiến lược phát triển, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực logistics. Vào tháng 5 năm ngoái chính là thời điểm đánh dấu sự trở lại của doanh nghiệp. Cho đến tháng 3 này, chiếc tàu Development có tải trọng 10.000DWT đã chính thức cập cảng. Điều này chứng tỏ được năng lực tiếp nhận của cầu cảng cũng như mở ra giai đoạn mới cho lĩnh vực vận tải biển của công ty nói riêng và của tỉnh Hậu Giang nói chung.

Để đáp ứng kịp nhu cầu và tốc độ phát triển, hiện Vinalines Hậu Giang đã đầu tư thêm cần cẩu có sức nâng 20 tấn hỗ trợ bốc dỡ hàng hóa từ các container nhập khẩu tại cảng. “Trong tương lai, chúng tôi chuẩn bị đầu tư thêm cần cẩu có sức nâng lên đến 50 tấn và đầu tư thêm 1 cảng nội bộ phục vụ cho tàu có tải trọng nhỏ. Song song đó là chuyển sang bước tiếp theo của đề án thành lập Trung tâm Logistics Hậu Giang. Trung tâm này sẽ kết hợp cùng các doanh nghiệp logistics thương mại khác tạo thành khu vực cung cấp các dịch vụ đa dạng, đồng thời kết nối với Trung tâm Logistics của vùng ĐBSCL đặt tại thành phố Cần Thơ”, ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Vinalines Hậu Giang, cho biết.

Ông Trần Minh Thông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hậu Giang, thông tin: Tính từ thời điểm thành lập, Chi cục Hải quan Hậu Giang đã thực hiện một số dịch vụ với tổng giá trị đến cuối năm 2017 hơn 180 tỉ đồng. Theo kế hoạch đến cuối năm nay, các loại hình thu thuế tại chi cục sẽ đạt mức 200 tỉ đồng. Kể từ đầu năm đến nay, chi cục đã thực hiện đầy đủ các loại hình xuất nhập khẩu, đáp ứng được tất cả các yêu cầu của doanh nghiệp tại địa bàn.

Hứa hẹn bứt phá vào cuối năm

Một trong những dự án được đánh giá thành công là dự án Nhà máy nước mặt Sông Hậu thuộc Công ty Cổ phần Nước Aqua One Hậu Giang. Được quy hoạch trên diện tích gần 70ha, công suất thiết kế 1.000.000 m3/ngày đêm, nhà máy đủ năng lực phục vụ nước sạch cho hơn 3 triệu dân thuộc các tỉnh khu vực Tây Nam sông Hậu. Đây là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp nước sạch sinh hoạt và nước sạch phục vụ sản xuất cho Khu đô thị công nghiệp Sông Hậu và các khu dân cư lân cận, góp phần ổn định an ninh nước vùng đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ nhiễm mặn đang ngày càng gia tăng. Ông Tạ Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nước Aqua One Hậu Giang, cho biết: “Giai đoạn 1 với công suất 100.000 m3/ngày đêm sẽ hoạt động vào mùa khô năm nay. Công ty đã đấu nối xong tuyến ống đến các khu, cụm công nghiệp tại huyện Châu Thành, đồng thời cũng đang xin cấp nước cho thị trấn Mái Dầm”. 

Ngay từ thời điểm này, ngành thủy sản, may mặc đã đón nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu. Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang năm 2018 đặt mục tiêu tăng trưởng 20%, cụ thể là sản lượng chế biến đạt hơn 31.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 370 triệu USD. Sự chuẩn bị từ vùng nuôi cho đến kho lạnh đã giúp công ty chủ động hơn ngay từ những tháng đầu năm. “Gần 1 tháng đi vào hoạt động trở lại, tình hình sản xuất đã ổn định toàn phần. Thời gian đáp ứng các đơn hàng rất đúng tiến độ. Lượng công nhân đi làm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu các dây chuyền nhưng chúng tôi đang tăng cường thêm máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho toàn nhà máy. Đây chính là chiến lược công ty đưa ra nhằm hoàn thành mục tiêu đặt ra ngay từ bây giờ”, ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho biết. 

Khoảng giữa năm nay, khi 3 xưởng mới đã xây dựng xong, trụ sở chính của Công ty Vemedim Corporation cùng các phân xưởng sản xuất, khu thực nghiệm tại Cần Thơ sẽ chuyển toàn bộ về Khu công nghiệp Sông Hậu. Những phần việc đang triển khai dở dang đang tiếp tục được xúc tiến đúng kế hoạch. “Trên cơ sở tập trung về một mối, chúng tôi sẽ có đủ các điều kiện tăng năng lực sản xuất. Trên cơ sở đó, chúng tôi góp phần giúp cho tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương”, ông Lê Quốc Túy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuốc thú y và Chế phẩm sinh học Vemedim, chia sẻ.

Sự chuyển động của các dự án công nghiệp được xem là khởi đầu thuận lợi cho lĩnh vực công nghiệp nói chung. “Thông tin rất khả quan cho doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp là năm 2018 tỉnh bố trí khoảng 120 tỉ đồng để đầu tư các tuyến đường nội bộ tại các khu, cụm công nghiệp. Tín hiệu khởi sắc từ hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy cho lĩnh vực công nghiệp phát triển và hứa hẹn sẽ đem lại tín hiệu lạc quan cho công tác thu hút đầu tư trong năm 2018”, ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>