“Nóng” chuyện tiêu thụ lúa Đông xuân

21/02/2019 | 08:25 GMT+7

Tình hình tiêu thụ lúa chậm, giá bán thấp, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền cọc... là những tình cảnh mà nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đang gặp phải trong vụ lúa Đông xuân 2018-2019 đã và đang chuẩn bị thu hoạch.

Nông dân Hậu Giang đang gặp khó trong tiêu thụ lúa Đông xuân và giá bán thấp.

Vụ lúa Đông xuân 2018-2019, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 78.418ha, trong đó chỉ có 23.191ha được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu (chiếm gần 30% diện tích xuống giống), với hơn 24.120 hộ tham gia. Diện tích lúa còn lại là 55.227ha không được doanh nghiệp ký kết sẽ phụ thuộc vào thương lái. Do tình hình giá lúa đang giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ nên các doanh nghiệp, thương lái đang triển khai thu mua lúa rất chậm, trong khi nông dân lại đang giống như ngồi trên đống lửa vì lúa đã chín nhưng không có người mua.  

Doanh nghiệp “bỏ ngỏ” mua lúa khi đã ký bao tiêu

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Công thương tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước chưa có doanh nghiệp nào có hợp đồng xuất khẩu gạo sang nước ngoài. Từ đó, đưa chúng ta vào thế bị động trong tiêu thụ lúa Đông xuân đang vào vụ thu hoạch đầu vụ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đồng thời dẫn đến giá bán thấp hơn so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho hay: Qua nắm tình hình doanh nghiệp thì khâu vốn tương đối ổn, thế nhưng khi không xuất khẩu gạo được thì doanh nghiệp mua lúa xong sẽ bán ở đâu, chưa kể việc trữ lúa ở kho còn phải chịu lãi suất ngân hàng, trong khi doanh nghiệp kinh doanh phải có lời nên họ còn e ngại mua lúa trong lúc này. Do đó, để tháo gỡ thì trước mắt UBND tỉnh nên mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ xem xét cho các doanh nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng tiêu thụ gạo với nước ngoài mà không thông qua VFA, từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ lúa cho bà con.

Trước tình hình xuất khẩu gạo không mấy sáng sủa ngay thời điểm nông dân Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung đang vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân nên đã đẩy giá lúa giảm sâu. Theo phản ánh từ nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, do giá lúa giảm nên hiện có không ít doanh nghiệp “bỏ ngỏ” chuyện thu mua lúa cho bà con, dù đã ký hợp đồng bao tiêu và đưa ra sàn từ trước.

Ông Trương Thành Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bắc Xà No, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Vào đầu vụ xuống giống, có doanh nghiệp đến HTX để ký hợp đồng thu mua lúa (giống RVT) cho HXT với giá là 6.500 đồng/kg. Thế nhưng, khi lúa còn 10 ngày nữa sẽ thu hoạch thì doanh nghiệp lại chốt giá chỉ còn 5.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với giá hợp đồng ban đầu. Với việc giảm giá đột ngột thế này, hiện có một số hộ đồng ý, còn đa phần thì không vì cho rằng khi giá lúa tăng lên thì doanh nghiệp chỉ lên chút đỉnh so với giá hợp đồng, còn lúc lúa giảm thì lại giảm một lần quá nhanh. Từ việc bà con không chịu nên doanh nghiệp đang có ý định bỏ tiền cọc và không mua lúa”.

Cùng hoàn cảnh, ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc HTX Nông nghiệp Danh Tiến, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Mấy năm liền, do tình hình tiêu thụ lúa thuận lợi nên HTX có được nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và tại địa phương đến tranh giành đặt tiền cọc mua lúa của bà con xã viên. Riêng năm nay thì số lượng doanh nghiệp đến HTX chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, ban đầu doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua giống lúa RVT của HTX là 6.500 đồng/kg, giống OM 5451 là 5.300 đồng/kg. Thế nhưng, giờ giá lúa giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với giá hợp đồng thì doanh nghiệp đang “bỏ ngỏ” chuyện mua lúa. Trường hợp mua thì lúa sẽ thu hoạch trễ hơn từ 5 ngày trở lên so với thời gian lúa đã chín. Khi đó, doanh nghiệp mua lúa về không cần phơi, sấy gì cả vì lúa đã khô sẵn trên đồng”.

Hiện nay, không riêng gì hai HTX trên mà qua ghi nhận của chúng tôi thì trên địa bàn tỉnh có rất nhiều HTX rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do đó, nông dân mong muốn các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu thì cố gắng thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, trước tình hình “bỏ ngỏ” của doanh nghiệp trong thu mua như hiện nay thì nhiều bà con cho rằng sẽ có không ít hợp đồng sẽ bị phá vỡ và người thiệt thòi lại là nông dân.

Ông Trần Văn Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Hiện hợp đồng bao tiêu lúa giữa nông dân và doanh nghiệp nhìn chung còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ và ràng buộc giữa hai bên nên tình hình phá vỡ hợp đồng do giá lúa lên hay xuống thường xuyên xảy ra. Vì vậy, tôi mong tới đây ngành chức năng cần có sự nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Riêng vụ lúa Đông xuân năm nay, với giá mà doanh nghiệp đề nghị thu mua là 5.300 đồng/kg (giống lúa RVT) thì bà con xã viên trong HTX sẽ bán lúa thấp hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ, trong khi giá vật tư nông nghiệp, dịch bệnh thì tăng nên khả năng bà con không có lợi nhuận”.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vấn đề tiêu thụ lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 20-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với nhiều doanh nghiệp bao tiêu lúa và nông dân trên địa bàn tỉnh để nghe báo cáo tình hình và có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp và HTX vào sáng ngày 20-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (đứng) mong muốn các bên tìm hướng tháo gỡ khó khăn.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho rằng, trước tình hình xuất khẩu gạo hiện nay chưa sáng sủa do hai thị trường tiềm năng của Việt Nam có sự biến động về cách thức nhập khẩu gạo. Cụ thể, Trung Quốc không cho nhập khẩu gạo bằng con đường tiểu ngạch mà phải chính ngạch; còn Chính phủ Philippines không đứng ra ký kết hợp đồng nhập khẩu gạo mà giao cho doanh nghiệp. Từ sự khó khăn trên nên chúng ta không nên nóng vội mà bình tĩnh để cùng nhau chia sẻ, tìm cách tháo gỡ nhằm vượt qua khó khăn. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp và chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có giải pháp giúp nông dân vùng ĐBSCL trong tiêu thụ lúa được nhanh, hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Ngoài ra, trong tuần tới, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để tìm giải pháp tháo gỡ căn cơ cho nông dân và doanh nghiệp.

Riêng đối với tỉnh Hậu Giang, nhiều sở, ngành liên quan của tỉnh đề nghị ban giám đốc HTX và nông dân cố gắng đàm phán với doanh nghiệp để 2 bên thống nhất về mức giá thu mua như thế nào cho hợp lý trong tình hình hiện tại. Bởi, trong làm ăn thì giá cả thị trường luôn biến động thất thường nên cần có sự chia sẻ lẫn nhau, từ đó mới duy trì tính hợp tác lâu dài. Riêng phòng nông nghiệp và kinh tế các địa phương cần rà soát, nắm bắt lại tình hình hợp đồng bao tiêu lúa giữa nông dân và doanh nghiệp. Trường hợp có xảy ra sự cố thì có thể đứng ra hòa giải để hợp đồng được thực hiện, hạn chế việc phá vỡ hợp đồng.

Với những đề xuất của lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành có liên quan tại buổi gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn tỉnh cũng có những cam kết của mình. Ông Bùi Minh Trường, đại diện Công ty Hưng Thành Phát, cho hay: “Năm nay, công ty có ký hợp đồng bao tiêu một phần nhỏ diện tích lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh và chủ yếu là giống lúa ST 24. Tuy hiện nhiều nhà máy xay xát còn ngập tràn lúa và tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn nhưng công ty chúng tôi cam kết thu mua hết diện tích đã bao tiêu”. Tương tự, bà Huỳnh Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát Hậu Giang, cho biết: Công ty cố gắng mua hết diện tích lúa đã ký kết hợp đồng bao tiêu với 4 HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó giá thu mua sẽ cao hơn từ 100-200 đồng/kg (tùy giống) so với giá thị trường vào thời điểm thu hoạch lúa”.

“Theo kế hoạch, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ chia ra làm 4 đợt thu hoạch lúa Đông xuân. Đợt 1 từ ngày 19 đến 26-2, diện tích thu hoạch là 13.480ha (hiện mới thu hoạch được hơn 1.000ha); đợt 2 từ ngày 27-2 đến 15-3, thu hoạch 29.540ha; đợt 3 từ ngày 16 đến 31-3, thu hoạch 30.500ha; đợt 4 từ ngày 1 đến 29-4, thu hoạch 4.700ha. Tuy nhiên, trước tình hình tiêu thụ lúa chậm như hiện nay và nếu không sớm khắc phục thì có khả năng lúa chín bị dồn ứ do ít người mua và tiến độ thu hoạch sẽ không theo kế hoạch”, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>