Nỗ lực tạo đột phá lĩnh vực thương mại - dịch vụ

20/07/2020 | 08:27 GMT+7

Trong những năm qua, huyện Vị Thủy có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để nâng cấp hạ tầng thương mại - dịch vụ, xây dựng chợ văn minh, tạo môi trường mua bán thuận lợi, hiện đại để phục vụ nhu cầu người dân cả khu vực thành thị và nông thôn. 

Hạ tầng chợ ở huyện Vị Thủy được quan tâm đầu tư, người dân đi lại mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn.

Đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ  trên địa bàn đạt trên 1.225 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng thương mại - dịch vụ trong các năm đạt mức trên 8%/năm. Các loại hình thương mại có bước phát triển đồng đều, đóng góp vào sự phát triển của huyện và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trên địa bàn huyện có tổng cộng 9 chợ (có 3 chợ thực hiện theo hình thức kêu gọi đầu tư), trong đó có 1 chợ hạng I và 8 chợ hạng III. Hàng năm, các chợ đều có kế hoạch chỉnh trang, tu sửa hoặc nâng cấp khi cần thiết để tiểu thương có điều kiện ổn định buôn bán. Nhờ vậy mỗi khi đến dịp lễ, tết hay nhu cầu mua sắm tăng cao đột ngột như đợt dịch Covid-19 vừa qua, các cửa hàng, lô sạp đều đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Chị Lý Mai Trang, bán tạp hóa tại chợ Nàng Mau, cho hay: “Việc buôn bán khoảng 2 tháng gần đây đã khá dần lên, lượt người mua cũng đông hơn so với thời điểm giãn cách xã hội. Đây là chợ trung tâm huyện nên việc bố trí lô, sạp bài bản, có chia khu vực rõ ràng, không lẫn lộn giữa các mặt hàng, đường đi rộng rãi nên khách đi chợ đông vào buổi sáng cũng không xảy ra tình trạng ách tắc”.

Bên cạnh quan tâm đầu tư hạ tầng chợ khang trang, mỗi năm địa phương đều lên kế hoạch nâng chất hoạt động chợ theo hướng văn minh, lịch sự, vệ sinh môi trường. Chợ Vị Thắng là một trong 6 chợ được công nhận đạt chuẩn chợ văn minh của huyện Vị Thủy năm 2019. Tuy chỉ tập trung trên 30 tiểu thương kể cả sạp cố định lẫn khu vực tự tiêu tự sản nhưng hầu hết tiểu thương đều có ý thức chấp hành nội quy, nhất là giữ vệ sinh khu vực buôn bán. Vừa qua, các tiểu thương còn đóng góp kinh phí mỗi người 1 triệu đồng để trang bị máy bơm nước nhằm tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chợ. Bà Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, thông tin: Để xây dựng và duy trì thói quen chấp hành tốt nội quy chợ, các hộ tiểu thương thường tổ chức sinh hoạt theo câu lạc bộ, hội, nhóm, lồng ghép các nội dung về tiêu chí chợ văn minh vào mỗi lần sinh hoạt, qua đó nâng cao ý thức của chị em tiểu thương và tự giác nhắc nhở nhau thực hiện.

Ngoài các chợ truyền thống, trên địa bàn huyện Vị Thủy còn phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini để đa dạng các kênh phân phối hàng hóa, người dân có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm. Hiện loại hình này đã có tại một số địa phương như thị trấn Nàng Mau, xã Vị Thanh và Vĩnh Thuận Tây.

Ông Lê Văn Tiền, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vị Thị cho biết: Sắp tới, phòng sẽ phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại tổ chức hội chợ thương mại gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm mới, giá cả hợp lý. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, thương mại - dịch vụ hoạt động đúng pháp luật, đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Để tạo bước đột phá trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, trong thời gian tới, huyện Vị Thủy định hướng tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ trung tâm và nâng cấp chợ hiện có. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới chợ Hội Đồng, xã Vị Đông sẽ đi vào hoạt động. Mỗi xã, thị trấn tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình xây dựng chợ văn minh. Tạo lập môi trường kinh doanh, mua bán hiện đại, kết nối khu vực thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập các hội, nhóm cùng ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh để cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt các quy định trong sản xuất, kinh doanh cũng như cùng nâng chất hoạt động dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>