Nhà máy Giấy Lee&Man: Cần giám sát để làm tốt hơn

23/10/2017 | 09:01 GMT+7

Trước tình trạng phản ánh của người dân xung quanh vấn đề ảnh hưởng môi trường của Nhà máy Giấy Lee&Man, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các nhà khoa học, lãnh đạo nhiều địa phương đã đến kiểm tra quá trình vận hành thử nghiệm của nhà máy cũng như ý kiến của các hộ dân. Qua đó, Bộ trưởng đã đồng ý cho phép Nhà máy Giấy Lee&Man hoạt động chính thức trong tháng 10 này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (thứ 2 từ phải sang) đã gặp gỡ để lắng nghe ý kiến của người dân sống gần Nhà máy Giấy Lee&Man.

Tại buổi khảo sát thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã kiểm tra rất kỹ quy trình xử lý nước thải, khí thải trước khi thải ra môi trường. Sau khi kiểm tra tại nhà máy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đoàn công tác trực tiếp đến thăm hỏi, nghe ý kiến người dân sống quanh nhà máy.

Người dân cơ bản hài lòng

Ông Trần Văn Nghĩa, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Từ khi có sự giám sát của Nhà nước trong quá trình vận hành thử, giờ đây có thể khẳng định mùi hôi và bụi đã giảm được 95%. Thật sự tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng và hy vọng trong thời gian tới, nhà máy phải làm tốt hơn nữa”. Trước đó, ông Nghĩa và nhiều hộ dân sống xung quanh nhà máy đã phản ánh tình hình ô nhiễm của nhà máy giấy. Nhất là từ khi vận hành thử, Nhà máy Giấy Lee&Man đã gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có thời điểm bị tái ô nhiễm, tuy nhiên qua sự giám sát của các ngành thì tình trạng này đã được khắc phục.

Ông Trần Văn Long, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, cho biết: “Do nhà đối diện với nhà máy nên mọi vấn đề về mùi hôi, bụi phát sinh, gia đình tôi chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Cũng nhờ có các ngành chức năng vào cuộc nên vấn đề môi trường được cải thiện rõ nét”.

Tuy nhiên, một vài hộ dân vẫn còn than, thỉnh thoảng vào ban đêm xuất hiện mùi hôi, bụi nhưng mức độ đã giảm nhiều so với thời gian trước đây. Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, cho biết: Qua thống kê có 63 hộ dân sống cặp tuyến kênh bị ảnh hưởng môi trường trực tiếp từ nhà máy giấy. Sau khi có phản ứng của người dân khi nhà máy chạy thử, địa phương cũng đã phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành giám sát hoạt động của nhà máy. Khoảng hơn 1 tháng nay, vấn đề bức xúc đã được giảm thiểu, hơn nữa môi trường cũng đã được cải thiện.

Cần tiếp tục giám sát

Sau khi có chuyến khảo sát thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc cùng với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận, các nhà khoa học và đại diện các Hiệp hội và Nhà máy Giấy Lee&Man. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, Tổ giám sát đã phối hợp với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà máy giấy giám sát chặt chẽ việc xử lý nước thải cũng như xử lý khói bụi, chất thải rắn ra môi trường của nhà máy giấy… Hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng đều có báo cáo cụ thể. Việc xử lý nước thải, khí thải đều được kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống quan trắc tự động.

“Việc vận hành thì tất nhiên có đôi lúc chưa được ổn định. Tuy nhiên, nhà máy cũng có sự phối hợp rất nhiệt tình trong việc tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, xây dựng bổ sung thêm các hạng mục bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Tổ giám sát. Hiện tại, các công trình bảo vệ môi trường của nhà máy đã hoàn thành theo nội dung Báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt”, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, khẳng định.

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên, cho rằng: Qua kiểm tra cùng đoàn cho thấy, các hạng mục bảo vệ môi trường của nhà máy hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Các thông số đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, vấn đề mùi hôi vẫn còn rất là nhạy cảm. Bởi mùi hôi được phát hiện dưới ngưỡng của máy móc, thiết bị, thế nhưng con người có thể phát hiện được, trong khi theo nghiên cứu thì mùi hôi này vẫn chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Do đó, để đảm bảo vấn đề môi trường, công tác giám sát phải được tiếp tục duy trì, đồng thời vận động để tạo sự đồng thuận của người dân trong khu vực.

PGS.TS Đinh Xuân Thắng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Bây giờ làm tốt thì trong thời gian tới cần tốt hơn. Vì thế, trong tương lai khâu định kỳ bảo dưỡng máy móc thiết bị phải được thực hiện thường xuyên. Song song đó, nhà máy cũng cần lưu ý một số thời điểm phát sinh mùi hôi để từ đó xử lý tốt hơn nữa. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng căn cứ theo các quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với địa phương để cấp giấy xác nhận hoàn thành để nhà máy đi vào hoạt động chính thức vào cuối tháng 10 này. Trên cơ sở đó, sau khi đi vào hoạt động chính thức, nhà máy cần tiếp tục thực hiện lời cam kết bảo vệ môi trường tốt hơn, đặc biệt là phải hết sức quan tâm vấn đề mùi. Đồng thời, cần thường xuyên thực hiện các hoạt động cộng đồng, lắng nghe ý kiến người dân. Về trách nhiệm của các địa phương, tiếp tục thực hiện việc giám sát về môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có phát sinh lưu lượng nước thải lớn để Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh mục giám sát. Xây dựng cơ chế tiếp cận liên vùng, rà soát lại các quy hoạch liên quan đến nguồn nước để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sông Hậu.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích