Kinh doanh mùa dịch Covid-19: Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

05/03/2020 | 08:19 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng, giúp người lao động yên tâm làm việc và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhân viên siêu thị thực hiện vệ sinh sát khuẩn thường xuyên các quầy, kệ, dụng cụ mua sắm.

Vừa kinh doanh, vừa chống dịch

Thương mại - dịch vụ là lĩnh vực có nhiều hoạt động thường xuyên tiếp xúc với đông đảo khách hàng. Do đó, công tác phòng chống dịch được các doanh nghiệp lĩnh vực này quan tâm và chuẩn bị từ rất sớm. Bà Trần Thị Hải Yến, cửa hàng trưởng Trung tâm kim hoàn PNJ Hậu Giang, cho hay: Tại cửa hàng nói riêng và tổng công ty nói chung đều tuyên truyền cho nhân viên và người lao động về những kiến thức, nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh và các biện pháp phòng dịch. Cửa hàng cung cấp khẩu trang cho nhân viên từ cuối tháng 1. Trước đó, do có sự chuẩn bị nên mỗi lượt khách đến mua hàng được tặng miễn phí 10 cái khẩu trang y tế. Sau này, khi khẩu trang y tế khó tìm mua, trung tâm vẫn duy trì cung cấp 1 khẩu trang cho khách khi cần và đặt nước sát khuẩn tay tại các quầy. 

“Do đặc trưng của ngành hàng này mà những tháng sau tết lượng khách hàng đến trung tâm không giảm đi mà còn tăng khoảng 50%, nhưng hầu hết không tập trung đông vào ngày cuối tuần như trước mà rải đều các ngày trong tuần, do tâm lý “né” thời gian cao điểm mua sắm. Cụ thể là ngày vía Thần Tài năm nay khách không đến đông đúc như các năm trước. Một số khách hàng có tìm hiểu còn sử dụng dịch vụ mua hàng online, nhận hàng qua công ty vận chuyển hoặc được nhân viên trung tâm giao tận nơi khi món hàng có giá trị lớn”, bà Yến thông tin thêm.

Còn tại siêu thị Co.opMart Vị Thanh, nơi thường xuyên tập trung khách hàng mua sắm đông đúc thì công tác vệ sinh, sát khuẩn được đặt lên hàng đầu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ, nhân viên siêu thị, cho hay: “Các quầy, kệ, bàn tính tiền và dụng cụ đựng hàng hóa cũng như tay nắm cửa được vệ sinh và lau sát khuẩn 3 lần mỗi ngày. Mỗi tuần, siêu thị có công ty vệ sinh chuyên nghiệp đến tổng vệ sinh toàn bộ không gian trong siêu thị”.

Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Vị Thanh, nhận định: Trong thời gian này, thói quen mua sắm của người dân thay đổi khá nhiều. Có thể thấy lượt khách đến siêu thị có giảm, thay vào đó giỏ hàng hóa lại nhiều hơn trước đây. Người dân mua nhiều để trữ và giảm số lượt đi đến siêu thị. Vào siêu thị, khách hàng không dạo quanh và tham quan trước khi mua hàng như trước. Giờ việc mua sắm diễn ra nhanh, gọn, chọn đúng thứ cần mua là ra tính tiền. Có khách hàng còn đặt hàng qua điện thoại để được giao tới tận nhà nhưng hiện tại số lượng này chưa tăng nhiều.

Tìm giải pháp vượt khó 

Sau Tết Nguyên đán lẽ ra là thời gian các hàng quán khởi động lại việc kinh doanh và tăng tốc sau kỳ nghỉ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm tình hình kinh doanh khá ảm đạm trong 2 tháng nay vì người dân giảm đến nơi công cộng và tập trung đông người. Bà Võ Thị Thơ, quản lý nhà hàng Tiến Thơ, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Lượng khách đến nhà hàng giảm mạnh từ 50-60% so với trước, do tâm lý e dè nơi đông người và trước đó là ảnh hưởng một phần từ các quy định mới về vi phạm nồng độ cồn của Nghị định 100. Nếu đến tận nơi, khách cũng ưu tiên chọn vị trí ngoài trời, rộng rãi và thoáng khí chứ không thích phòng máy điều hòa. Hiện nay, cơ sở hoạt động chủ yếu giữ mối, chờ tình hình ổn định để khôi phục việc kinh doanh”.

Ngoài các giải pháp phòng dịch như trang bị máy sát khuẩn tự động để khách hàng và nhân viên sử dụng, tăng cường vệ sinh…, về lâu dài nếu muốn duy trì và bù lỗ vào lượng khách giảm đi, bà Thơ dự định sẽ đẩy mạnh các dịch vụ ăn uống giao tận nơi, đa dạng các món ăn trong thực đơn để phù hợp thói quen mua đem về nhà thay vì chỉ tập trung vào khách ngồi tại chỗ như trước đây.

Có thể thấy, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn tìm nhiều cách để “sống chung” với dịch, đổi mới các hình thức dịch vụ, cải tiến sản phẩm, tặng khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn khi mua hàng… Các doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng bách hóa, siêu thị cũng thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mãi, giảm giá, bổ sung hàng hóa đầy kệ, nhất là ở các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm… Giá cả vẫn giữ bình ổn, thậm chí giảm giá một số mặt hàng để người tiêu dùng không hoang mang, lo lắng, đổ xô mua hàng hóa tích trữ số lượng lớn. Trên hết vẫn là cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch đảm bảo an toàn và để người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>