Huyện công nghiệp chuyển mình

07/07/2020 | 19:49 GMT+7

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Thành đã có sự đoàn kết, thống nhất, tập trung thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi về mọi mặt ở địa phương.

Khu công nghiệp Sông Hậu là trung tâm phát triển công nghiệp của huyện Châu Thành.

Lâu lâu có dịp đi qua trung tâm thị trấn Ngã Sáu, bà Nguyễn Thị Tím, ở ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, nói: “Giờ đây trung tâm huyện lỵ đổi thay nhiều. Không chỉ hàng quán mọc lên san sát mà chợ búa sầm uất, mua bán tấp nập, còn đường sá được đầu tư mở rộng thông thoáng, khang trang”. Nhận định này của bà Tím cũng là sự đánh giá chung của nhiều người dân trong huyện trước sự thay đổi của bộ mặt đô thị Ngã Sáu sau 5 năm phát triển.

Bộ mặt nông thôn đổi mới

Tương tự, khu vực nông thôn trên địa bàn các xã trong huyện cũng có sự phát triển vượt bậc. Anh Trần Văn Út, một thương lái thu mua trái cây trên địa bàn huyện thừa nhận: “Nói thiệt, hồi đó mỗi khi vô mấy tuyến đường cặp theo các con kênh ở xã Đông Phước, Đông Phước A ít ai dám đi xe mới mà thường lấy xe cà tàng để đi, vì có hư cũng đỡ tiếc. Giờ mọi thứ đã khác, đi mua bán nông sản nhanh lẹ, bởi lộ làng ngon lành so trước đây dữ lắm”.

Đúng như lời anh Út nói, giờ đây, bộ mặt nông thôn ở nhiều xã trên địa bàn huyện đã đổi thay rõ rệt. Từ hệ thống đường liên xã cho đến những tuyến đường vào xóm ấp đều được đầu tư, nâng cấp mở rộng thông suốt. Đáng ghi nhận là hầu hết các công trình cầu, đường nông thôn được chính quyền địa phương linh hoạt vận dụng xây dựng theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Đó là một trong những dấu ấn nổi bật mà quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua của huyện mang lại. Theo UBND xã Đông Phước A, từ một địa phương còn nhiều khó khăn, sau thời gian xây dựng và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019 đến nay, điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông - thủy lợi phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân.

Hiện 100% tuyến đường nông thôn trong xã không còn lầy lội vào mùa mưa; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đê bao khép kín; 10/10 ấp có nhà văn hóa đạt chuẩn và hơn 85% nhà ở của người dân đạt 3 cứng theo quy định; cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; an ninh trật tự ổn định. Trên địa bàn xã còn có 12 mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập từ 85-100 triệu đồng, 26 mô hình thu nhập hơn 150 triệu đồng…

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Đến đầu năm 2020, Châu Thành đã có 4/7 xã (hiện xã Phú An đã thực hiện việc sáp nhập - PV) được công nhận nông thôn mới. Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đảm bảo tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn đã giúp cho bộ mặt làng quê của huyện nhanh chóng đổi mới”.

Chưa kể là các công trình, dự án giao thông trọng điểm của tỉnh sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội thêm phát triển. Nổi bật là tuyến đường ô tô từ Quốc lộ 1A đến xã Đông Phước A, công trình mở rộng Đường tỉnh 925 từ thị trấn Ngã Sáu đến trụ sở UBND xã Đông Phước A, dự án Đường tỉnh 927C cũng như tuyến đường từ trung tâm Ngã Sáu đến đường 3B Cụm công nghiệp Đông Phú 1 (giai đoạn 1)...

Công, nông nghiệp vững tiến        

Giờ đây, dọc theo sông Hậu là những dãy nhà xưởng, công trường chạy dài hàng cây số. Hiếm có địa phương nào trong tỉnh có được tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp như Châu Thành. Điều đó được minh chứng thông qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay. Cụ thể là tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, cơ cấu lao động chuyển dịch sang lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao.

Theo UBND huyện Châu Thành, đến nay, trên địa bàn huyện có một Khu công nghiệp Sông Hậu và 3 cụm công nghiệp tập trung, với 23 doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện 25 dự án trên diện tích đất quy hoạch hơn 955ha. Trong số các doanh nghiệp hoạt động thì một số đơn vị đã và đang đầu tư dự án lớn như: Trung tâm Điện lực dầu khí Sông Hậu 1, cảng tổng hợp Vinalines có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 20.000 tấn.

Cùng với đó là Nhà máy nước AquaOne, Nhà máy bia Sư Tử Trắng, Nhà máy xi măng Cần Thơ - Hậu Giang, các nhà máy của Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Tập đoàn giấy Lee&Man... Hiện các nhà máy, xí nghiệp này ngày càng mang lại giá trị sản xuất, kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư, từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài địa phương. Nhất là đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế huyện Châu Thành nói riêng và của tỉnh nói chung.

Anh Trần Văn Nhàn, ở thị trấn Mái Dầm, chia sẻ: “Lúc trước cũng nhờ địa phương hỗ trợ, tôi và nhiều anh em địa phương có được việc làm như hiện nay. Thực sự đi làm công nhân ngoài công việc ổn định thì nguồn thu nhập cũng khá hơn làm nông. Khi về nhà còn có thể tranh thủ phụ giúp gia đình, làm vườn kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Cùng với các điểm nhấn trên thì lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Thành trong thời gian qua cũng có nhiều bước tiến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đáng ghi nhận là Châu Thành đã thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; từng bước khắc phục tình trạng sản xuất tự phát mà thay vào đó là sự năng động, sáng tạo và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

 Nổi bật ngành chuyên môn của huyện đã vận động người dân chuyển đổi 2.250ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo thế mạnh của địa phương, như mít Thái siêu sớm, chanh không hạt, xoài, sầu riêng... Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp huyện và các địa phương còn đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà vườn, giúp vườn cây ăn trái đạt năng suất cao.

Bộ mặt trung tâm huyện Châu Thành ngày càng khang trang.

Nhiều nhà vườn còn linh hoạt, sáng tạo trong quá trình canh tác, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương lên nhiều lần so sản phẩm thông thường. Tiêu biểu như tạo chữ thư pháp, hình bản đồ Việt Nam lên sản phẩm bưởi tạo hình hồ lô, đu đủ, dưa hấu, dừa… Từ đó, góp phần giúp cho thu nhập bình quân đầu người của huyện gia tăng qua từng năm. Nếu như năm 2016 chỉ đạt 33 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2019 tăng lên 45 triệu đồng/người/năm…

 Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm, song song với phát triển kinh tế thì nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội cũng được địa phương chú trọng. Trong đó, thường xuyên quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững.

“Phát huy những thành tích đạt được trong 5 năm qua, thời gian tới, Châu Thành đề ra mục tiêu phấn đấu là tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo; tận dụng tiềm năng, lợi thế, trong đó lấy trọng tâm là công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Phấn đấu trong nhiệm kỳ huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo UBND huyện Châu Thành, trong 5 năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, đúng hướng. Giá trị sản xuất của năm cuối nhiệm kỳ (2020) đạt 19.636 tỉ đồng, tăng 64,7% so năm đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế hợp lý, đúng định hướng phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng toàn huyện đạt 60.477 tỉ đồng, đạt 118,8% so Nghị quyết đề ra, tăng bình quân 15,43% hàng năm, đóng góp vào 30,28% giá trị sản xuất của tỉnh.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>