Xung đột Israel -Palestine bao giờ dứt ?

21/05/2018 | 07:46 GMT+7

Sau quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem, khơi mào cho những căng thẳng mới giữa Israel và Palestine cũng như dẫn đến các cuộc đụng độ làm hàng chục người Palestine thiệt mạng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ sớm công bố một kế hoạch hòa bình Trung Đông mới.

Người biểu tình Palestine đối mặt với hơi cay từ quân đội Israel tại ranh giới giữa Israel với Gaza ngày 14-5. Ảnh: AFP

Theo các quan chức Mỹ, dự kiến kế hoạch hòa bình sẽ được đưa ra vào giữa hay cuối tháng 6, ngay sau khi kết thúc tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết thời gian công bố kế hoạch có thể hoãn lại dựa vào diễn biến tình hình khu vực.

Mặc dù chi tiết trong đề xuất hòa bình Trung Đông của Mỹ chưa được nêu cụ thể, nhưng giới quan sát cũng không mấy lạc quan về triển vọng của kế hoạch này. Palestine có thể sẽ không sẵn sàng xem xét đề xuất, khi họ nhiều lần tuyên bố Mỹ không phải là nhà hòa giải cho hòa bình Trung Đông do quan điểm thiên vị Israel. Thậm chí cả các đồng minh của Mỹ tại châu Âu hay các nước vùng Vịnh cũng đang chỉ trích mạnh mẽ bước đi của Mỹ, cho thấy thách thức của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc lôi kéo đủ sự ủng hộ đảm bảo cho bất kỳ kế hoạch hòa bình nào thành công.

Việc Mỹ lên kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột Israel và Palestine diễn ra trong bối cảnh quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem - một trong những nguyên nhân gây làn sóng bạo lực gia tăng gần đây giữa Israel và Palestine. Ngày 18-5, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết mở một cuộc điều tra về những vụ giết người gần đây ở Dải Gaza và cáo buộc Israel dùng vũ lực vượt quá quy định đối với người biểu tình Palestine. Dù nghị quyết này bị hai nước là Mỹ và Australia bỏ phiếu phản đối, song có tới 29 trong 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) ủng hộ, 14 quốc gia khác bỏ phiếu trắng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập tức bác bỏ Nghị quyết, coi Nghị quyết là hành động ủng hộ các hoạt động khủng bố, thay vì “đứng về phía” quyền tự vệ chính đáng của nước này. Tính từ ngày 30-3, các lực lượng Israel đã giết chết 106 người Palestine, trong đó có 5 trẻ em, theo Reuters dẫn lời Cao ủy trưởng nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al Hussein. Ngoài ra còn có 12.000 người bị thương, trong đó có ít nhất 3.500 người bị trúng đạn thật.

Như đã biết, ngày 14-5 vừa qua khi Mỹ chính thức mở Đại sứ quán tại  Jerusalem, là một ngày đặc biệt đối với cả Israel và Palestine. Đúng 70 năm trước, Tổng thống Mỹ Harry S.Truman tuyên bố công nhận Nhà nước Do Thái Israel. Việc Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem vào đúng lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel vì thế không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên mà là động thái biểu tượng tiếp tục thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với đồng minh quan trọng số một ở Trung Đông. Nếu như 14-5 là một “ngày tuyệt vời” của Israel như lời ông Donald Trump nói thì nó lại chỉ khoét sâu thêm, làm nhân đôi nỗi đau của người dân Palestine. Bởi, chỉ một ngày sau đó, ngày 15-5 chính là “Nakba” - ngày tưởng niệm quãng thời gian đen tối khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương sau sự kiện Nhà nước Israel ra đời năm 1948.

Vấn đề chủ quyền Jerusalem - nơi vốn được biết đến là cội nguồn và thánh địa có ý nghĩa quan trọng của Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo - lâu nay vẫn được xem là rào cản chính trị lớn nhất của tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine tuyên bố khu vực phía Đông thành phố bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 là thủ đô nhà nước tương lai của họ. Một nền hòa bình lâu dài và bền vững cho Palestine và Israel chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp công bằng và vấn đề Jerusalem phải được giải quyết trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột giữa hai bên. Cùng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và nguy cơ đối đầu trực diện Iran - Israel trên chiến trường Syria, những diễn biến căng thẳng tại Dải Gaza đang góp phần tạo nên đám “mây đen” vần vũ trên bầu trời Trung Đông. Nếu tất cả các bên liên quan không kiềm chế, tránh những hành động khiêu khích và bạo lực, “thùng thuốc súng” Trung Đông có thể “phát nổ” bất cứ khi nào.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>