Venezuela đối đầu căng thẳng

18/03/2019 | 08:28 GMT+7

Quân đội Venezuela bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn sau khi tình trạng mất điện kéo dài gần một tuần. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập đang thực hiện một “giai đoạn mới” trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Venezuela Maduro.

Hình ảnh ông Nicolas Maduro đăng trên Twitter cùng thông báo tập trận. Ảnh: TWITTER

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ngày 16-3, sau khi tình trạng mất điện kéo dài gần một tuần trên toàn quốc. “Các cuộc tập trận quân sự phức tạp mang tên Ana Karina Rote đã bắt đầu để bảo vệ các nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Chúng ta sẽ không cho phép kẻ thù của quê hương đánh cắp sự bình yên của người dân Venezuela anh hùng một lần nữa”, ông Maduro viết trên Twitter.

Giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận, được đặt tên là Angostura, được tổ chức vào giữa tháng 2. Lần này, các cuộc tập trận được dành riêng để bảo vệ lưới điện quốc gia, sau sự cố mất điện lớn tại nước này vào tuần trước.

Tổng thống Venezuela trước đó cũng đã ký sắc lệnh thành lập một lực lượng quân đội đặc biệt, chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện, nước sinh hoạt. Lực lượng mới mang tên Bộ Chỉ huy bảo vệ các dịch vụ cơ bản chiến lược của Nhà nước. Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Chỉ huy này là bảo vệ các cơ sở cung cấp dịch vụ, kiểm soát hệ thống điều khiển và bảo đảm an ninh mạng.

Trước đó ngày 7-3, sự cố mất điện quét qua phần lớn Venezuela, khiến quốc gia này - hơn 30 triệu người - không được tiếp cận với các tiện nghi cơ bản, bao gồm nước và chăm sóc y tế. Nhà cung cấp điện quốc gia Corpoelec nhấn mạnh sự cố mất điện là kết quả của sự phá hoại tại Nhà máy thủy điện Guri ở phía Đông. Ông Maduro buộc tội Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng, trong khi Washington phủ nhận có vai trò trong sự cố mất điện. Việc cung cấp điện đã được khôi phục hoàn toàn trên khắp Venezuela ngày 13-3.

Tình trạng cúp điện đã khiến nền kinh tế Venezuela vốn đang gặp khó khăn càng lún sâu vào khủng hoảng. Theo hãng phân tích kinh tế Ecoanalitica, thiệt hại kinh tế do tình trạng này gây ra ước tính lên tới 875 triệu USD.

“Có sự tê liệt nghiêm trọng ở nhiều khu vực quan trọng trong ngành dầu khí”, Ecoanalitica nhận định, ước tính có tới 70% của 1 triệu thùng dầu/ngày mà Venezuela đủ khả năng sản xuất có thể bị ảnh hưởng.

Sau sự cố mất  điện, người dân lại gặp rắc rối vì không thể uống loại nước màu đen chảy ra từ vòi nước máy. Heberlizeth González, một nhà báo địa phương viết trên mạng xã hội Twitter: “Tình trạng thiếu nước ở San Diego đang trở nên trầm trọng. Đến hôm nay, nước biến thành màu đen và không thể dùng được”.

Trong lúc này, lãnh đạo đối lập Juan Guaido đang ráo riết thực hiện một “giai đoạn mới” trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Venezuela Maduro. Theo đó, ông sẽ có chuyến đi khắp đất nước trước khi “chiếm” dinh thự Tổng thống. Bắt đầu từ ngày 16-3, ông Guaido đã cùng các chính trị gia phe đối lập đi khắp Venezuela nhằm thành lập “ấp tự do” gồm những người dân ủng hộ họ. Phe đối lập cho biết họ đã thành lập 50 ấp như vậy tại 23 bang ở Venezuela.

Cũng theo dòng Tweet của ông Guaido, “Chiến dịch Tự do” bao gồm 3 giai đoạn. Thứ nhất, thành lập các “nhóm hỗ trợ” trên tất cả các tuyến phố ở Venezuela, tiếp đó là thành lập “các ủy ban lao động” trong các ngành kinh tế của đất nước và chuẩn bị lập ra “những lực lượng pháp lý” trong hàng ngũ quân đội Venezuela.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela leo thang vào tháng 1-2019, khi nhà lập pháp Juan Guaido được bầu làm Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, trong khi tất cả các nhánh chính phủ khác đã từ chối công nhận kể từ năm 2016.

Ông Guaido sau đó tuyên bố mình là “tổng thống lâm thời”, nhận được sự ủng hộ gần như ngay lập tức từ Mỹ và các đồng minh. Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác tái khẳng định sự ủng hộ tổng thống hợp hiến được bầu cử Nicolas Maduro.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>