Trung Quốc: Lũ lụt dữ dội đe dọa đập Tam Hiệp

30/06/2020 | 06:39 GMT+7

Tờ Nhân dân Nhật báo vừa đưa tin các trận mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ lụt khiến 2/3 trong số các khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc bị thiệt hại, thậm chí gây áp lực lên đập Tam Hiệp.

Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc. Ảnh: WEIBO

Kể từ đầu tháng 6, 5 đợt mưa lớn đã ảnh hưởng tới ít nhất 13,74 triệu người tại 26 tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc. Đặc biệt, siêu đô thị Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây. Đáng lo ngại, mưa lớn dự kiến tiếp tục rơi ở Trung Quốc vào tuần này.

Theo ước tính của lực lượng cứu hỏa quốc gia, trận lũ mới nhất gây ra thiệt hại kinh tế ước tính hơn 27,8 tỉ nhân dân tệ (3,8 tỉ USD).

Lũ lụt tồi tệ nhất xảy ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây là vào năm 1998 khi hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Riêng miền Tây Nam Trung Quốc đang chứng kiến trận lụt tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua, bao gồm TP.Trùng Khánh. Điều này kéo theo mối đe dọa đối với đập Tam Hiệp do thượng nguồn của con đập này bị ảnh hưởng nặng nhất kể từ năm 1940.

Trang Taiwan News (Đài Loan) cho biết, Cơ quan Thời tiết Trung Quốc đã đưa ra mức cảnh báo cao nhất về lũ lụt và mưa lớn cho vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử đến Quý Châu. Đập Tam Hiệp dự kiến phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2003.

Nhà thủy văn học Wang Weiluo nghi ngờ khả năng con đập có thể trụ được sau khi ghi nhận các vết nứt và bê tông xây dựng không đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, Hoàn cầu Thời báo cho rằng báo chí phương Tây đã thổi phồng sự việc. Báo này dẫn lời ông Quách Tốn, thuộc Viện Cơ học Kỹ thuật thuộc Cục Quản lý Động đất Trung Quốc ở Bắc Kinh, rằng đập Tam Hiệp có khả năng chứa nước lớn hơn nhiều so với những gì được thấy trong hiện tại.

Theo ông Quách, đập được thiết kế để chịu được mực nước là 175m hoặc chịu được dòng chảy lên tới 70.000 m3/giây. Hiện mực nước ở mức 147m và 26.500 m3/giây hoàn toàn nằm trong ngưỡng an toàn của con đập.

Đập Tam Hiệp nằm chắn ngang sông Dương Tử (con sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ 3 trên thế giới) tại thị trấn Tam Đẩu Bình thuộc thành phố Nghi Xương, tỉnh miền Trung Hồ Bắc.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, ngay từ những năm 1920, các lãnh đạo nước này lần đầu tiên đã thảo luận về ý tưởng xây dựng một đập thủy điện khổng lồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Song, mãi đến năm 1955, việc lập kế hoạch chi tiết cho dự án đập Tam Hiệp mới chính thức được xúc tiến.

Giống như việc xây dựng nhiều đập thủy điện khác, dự án đập Tam Hiệp cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều cả trong và ngoài Trung Quốc. Những người đề xuất và ủng hộ dự án khăng khăng rằng, đập Tam Hiệp sẽ giúp kiểm soát ngập lụt nghiêm trọng dọc sông Dương Tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nội địa và cung cấp phần lớn nguồn điện năng thiết yếu cho miền Trung Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người phản đối đề cập đến hàng loạt vấn đề có thể nảy sinh từ dự án, như nguy cơ vỡ đập; việc phải di dời khoảng 1,3 triệu dân (phe chỉ trích khẳng định con số thực tế lên đến 1,9 triệu dân) khỏi hơn 1.500 thành phố, thị trấn và làng mạc dọc theo sông Dương Tử vì mực nước dâng cao; việc phá hủy cảnh quan tráng lệ, vô số địa điểm kiến trúc có giá trị khảo cổ học và văn hóa cũng như các tác động tiêu cực khác tới môi trường.

Dự án đã gặp nhiều điều tiếng vì các bê bối. Một số hạng mục trong dự án có chất lượng thấp đến mức Thủ tướng Chu Dung Cơ năm 1999 đã phải ra lệnh phá đi xây lại. Tháng 1-2000, các thành viên thuộc Ủy ban tái định cư Tam Hiệp cũng bị bắt vì tội tham ô các quỹ của chương trình tái định cư cho người dân phải di dời.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>