Tín hiệu khả quan cho thỏa thuận gia hạn New Start

21/10/2020 | 17:09 GMT+7

Với những động thái tích cực của Nga và Mỹ, nhiều khả năng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ được gia hạn thêm một năm.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: New York Times

Mới đây, một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, Mỹ và Nga đang tiến gần tới một thỏa thuận nhằm gia hạn New START thêm một năm. Theo đó, phía Nga đã đồng ý việc đóng băng các đầu đạn hạt nhân nếu Mỹ làm tương tự để gia hạn New START. Quan chức này cũng lạc quan cho rằng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận trong vài ngày tới.

Tuần trước, Mỹ và Nga vẫn còn bất đồng xung quanh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm gia hạn New START thêm một năm nữa một cách vô điều kiện, nhưng phía Mỹ phản đối, với đề xuất cần đóng băng các đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga trong ngày 20-10 cho biết, Matxcơva sẽ đồng ý với yêu cầu của Mỹ đóng băng các đầu đạn hạt nhân thêm 1 năm nếu New START được gia hạn. Các vấn đề hai bên còn cần giải quyết bao gồm định nghĩa về đầu đạn và xác minh các hoạt động đóng băng các đầu đạn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã hoan nghênh động thái của Nga nhằm thúc đẩy tiến triển trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. Bà Ortagus cũng nhấn mạnh, Mỹ đã sẵn sàng gặp các quan chức Nga để hoàn tất một thỏa thuận có thể được xác minh, đồng thời kỳ vọng Nga sẽ trao quyền cho các nhà ngoại giao của mình để đàm phán vấn đề này.

Mục đích của thỏa thuận đóng băng các đầu đạn hạt nhân nhằm có thêm thời gian cho một hiệp ước trong tương lai nhằm thay thế New START. Chính quyền Tổng thống Mỹ từng đề xuất một hiệp ước mới sẽ bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, quan chức phía Nga và Mỹ đều cho biết thỏa thuận đang được đàm phán không đề cập tới Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực gây sức ép với Nga nhằm đạt được một thỏa thuận trước ngày tổng tuyển cử 3-11. Động thái này được cho là sẽ tạo thêm một thành tựu mới trên lĩnh vực ngoại giao nhằm mang lại lợi thế cho ông Trump trong những ngày cuối cùng của cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

New START giữa Nga và Mỹ được hai cựu Tổng thống Nga và Mỹ, ông Dmitry Medvedev và ông Barack Obama, ký vào năm 2010. Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Các điều khoản trong Hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai. Thỏa thuận quy định Nga và Mỹ mỗi năm hai lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng. Theo đó, ngày 5-2-2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START. Sau đó đến ngày 5-2-2021 hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.

Giá trị đích thực của New START là quản lý được số lượng vũ khí hạt nhân, cắt giảm dần vũ khí hạt nhân của 2 cường quốc quân sự, vì mục tiêu chung duy trì ổn định và hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây cả Nga và Mỹ đều có những tuyên bố muốn hủy bỏ New START và có động thái phát triển vũ khí cấm trong hiệp ước này. Do vậy việc đạt được thỏa thuận gia hạn New START lần này là tín hiệu khả quan để các bên liên quan có điều kiện đàm phán nhằm tiếp tục duy trì New START giảm bớt và tiến tới loại trừ vũ khí hủy diệt, vì hòa bình của nhân loại.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>