Thương chiến Mỹ - Trung khó hạ nhiệt

03/09/2019 | 07:25 GMT+7

Sự leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khi hai bên chính thức bước vào đợt áp thuế trả đũa lẫn nhau tiếp theo.

Thương chiến Mỹ - Trung  khó sớm hạ nhiệt. Ảnh: FORBES

Mức thuế bổ sung 15% của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ 11 giờ 01 ngày 1-9 (theo giờ Việt Nam), nhắm vào các hạng mục hàng hóa mà trước nay Mỹ vẫn chưa chạm đến. Các hàng hóa tiêu dùng chiếm khoảng phân nửa trong số này, nhiều hơn mức 20% của lần tăng thuế vào tháng 9 năm ngoái. Tổng cộng 3.243 mặt hàng Trung Quốc bị áp mức thuế mới đợt này.

Trung Quốc cũng áp dụng việc tăng thuế nhập khẩu từ 5% lên 10% đối với 75 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Mỹ. Đợt áp thuế từ ngày 1-9 của Trung Quốc nhằm vào 1.717 mặt hàng bao gồm đậu nành và dầu thô. Đây cũng là lần đầu tiên dầu thô Mỹ lọt vào danh sách bị áp thuế trả đũa kể từ khi cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung bùng nổ cách đây hơn một năm. Đợt áp thuế thứ hai dự kiến vào ngày 15-12, trùng với thời điểm Mỹ tiến hành đợt tăng thuế tiếp theo. Trung Quốc khi đó sẽ áp thuế đối với 3.361 mặt hàng Mỹ, bao gồm cả ô tô. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 35% (bao gồm dầu thô) là mặt hàng mới được bổ sung, còn đa số đã bị đánh thuế trước đó.

Nhìn tổng quan, sau đợt đánh thuế mới nhất, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc tăng lên ngưỡng trên 21%, tức hơn khoảng 3% so với trước khi diễn ra xung đột thương mại. Trong khi đó, mức thuế trung bình của Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa Mỹ tăng lên gần 22%. Con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình với mức thuế trung bình vượt cả thời kỳ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Vào đầu thập niên 1930, thời điểm Mỹ còn theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, Mỹ áp thuế suất trung bình 20% lên hàng hóa nước ngoài. Sau khi tâm lý bảo hộ mậu dịch góp phần đẩy toàn cầu đến Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ và các nước khác bắt đầu chuộng tự do thương mại.

Về đối sách, Trung Quốc hiện tại vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể. Chiến thuật của Trung Quốc hiện nay là đồng thời với việc mở cửa đối với các vòng đàm phán thương mại tiếp tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm lệ thuộc vào Mỹ và không có quá nhiều khả năng cho việc Trung Quốc nhượng bộ trước Mỹ.

Điều đó có thể thấy được từ việc tờ Nhân dân nhật báo, ngày 25-8 phát đi loạt bài về việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Nam Mỹ, cho thấy rõ ý đồ muốn đa nguyên hóa chuỗi cung ứng. Ngày 27-8, Tân Hoa xã cũng đăng tin về việc Chính phủ nước này đưa ra 20 biện pháp hỗ trợ tiêu dùng, bao gồm sử dụng công nghệ mới thúc đẩy lưu thông hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại…, cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường phát triển thị trường trong nước làm động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo một chuyên gia, chiến lược hiện nay của Trung Quốc có thể mang một tầm nhìn lâu dài, xa hơn thời gian mà chính quyền hiện tại của Mỹ có thể cầm quyền. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài hơn 10 năm như chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật từng xảy ra những năm 80 của thế kỷ trước. Đồng thời, va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt xa phạm vi thương mại, khiến những lợi ích tiềm năng đối với Trung Quốc trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ và hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại để cải thiện quan hệ Mỹ - Trung giảm mạnh.

Trong khi đó, với mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump đặt trọng tâm vào việc phục hưng ngành chế tạo. Trong bối cảnh phần lớn dân chúng Mỹ cho rằng thương mại Mỹ - Trung đang trong tình trạng bất bình đẳng dấy lên nỗi lo ngại về các hành vi của Trung Quốc gây bất lợi cho ngành chế tạo Mỹ, có thể giúp ông Trump tiếp tục giành được sự ủng hộ từ cử tri các bang công nghiệp nêu trên để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>