Thủ tướng Anh kêu gọi bầu cử sớm ?

03/09/2019 | 17:59 GMT+7

Nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 14-10 tới nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một sự kiện ở London.  Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, sở dĩ ông phải có động thái trên bởi vì không muốn các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)) không thỏa thuận sẽ làm cản trở những tiến bộ đàm phán với EU. Ông Johnson tin rằng ông sẽ nhận được đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Hạ viện để tiến hành kêu gọi tổng tuyển cử sớm.

Ông Jonhson cũng khẳng định nếu các nghị sĩ ủng hộ thì ông hoàn toàn có thể đạt được những điều khoản thay đổi với EU trong thỏa thuận Brexit tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào 17-10 tới. Đây là những điều khoản khiến cho thỏa thuận Brexit giữa EU và người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May đã bị Hạ viện bác bỏ 3 lần. Ông Johnson cho rằng việc các nghị sĩ bỏ phiếu nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận sẽ làm hỏng vị thế của Anh khi ngồi vào bàn thương thảo với EU.

Thủ tướng Anh cũng khẳng định sẽ không yêu cầu EU trì hoãn Brexit và những người tham gia đàm phán với EU sẽ phải được thực thi nhiệm vụ của mình mà không bị Hạ viện can thiệp. Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ tập trung cùng nhau thực hiện những chương trình nghị sự cho người dân như chống tội phạm, cải thiện hệ thống y tế công, trường học công, giảm chi phí sinh hoạt cho người dân, tạo điều kiện cho người tài và các cơ hội phát triển vùng miền trên khắp Anh.

Trong một động thái liên quan, nhằm đối phó trước cam kết mà Thủ tướng Johnson tuyên bố là sẽ đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10 tới bất chấp có hay không có thỏa thuận, một số nghị sĩ thuộc các đảng phái và phe nhóm khác nhau đã liên kết hành động để ngăn chặn ý định này. Nhóm nghị sĩ này hiện đang quy tụ được khoảng 20 người, do cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và cựu Bộ trưởng Tư pháp David Gauke dẫn đầu.

Theo dự kiến, ngày 3-9 khi Nghị viện Anh họp trở lại, nhóm nghị sĩ chống đối của đảng Bảo thủ có thể sẽ liên kết với các đảng đối lập là Công đảng, đảng Dân chủ - tự do (Lib-Dem) và đảng Dân tộc Scotland (SNP) bỏ phiếu thông qua một dự luật ngăn chặn tất cả kịch bản Brexit không thỏa thuận. Nội dung chính của dự luật này là yêu cầu Thủ tướng Anh đề xuất EU hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020. Trong trường hợp luật này được thông qua, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ không có bất cứ đàm phán nào với EU được tiến hành.

Mặt khác, các nghị sĩ Công đảng đối lập cũng nhắc tới lựa chọn thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ khi đảng Bảo thủ cầm quyền hiện duy trì thế đa số khá mong manh tại Nghị viện (320 ghế so với 319 ghế của các đảng đối lập). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cuối cùng trong tháng 10 nếu lựa chọn lập pháp không thành công. Hơn nữa ý kiến của các đảng đối lập hiện cũng rất rời rạc thiếu tập trung nên dự định này khó thành hiện thực.

Để đối phó với tình huống trên, Thủ tướng Boris Johnson một mặt trấn an người dân không nên quá lo lắng về Brexit. Mặt khác, ông Johnson cũng kêu gọi các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ không liên minh với thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn bởi bất cứ ý định trì hoãn nào về Brexit đều là vô ích. Và nếu cần thiết, Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố sẽ kêu gọi tổng tuyển cử sớm theo kế hoạch để gây sức ép với các đảng đối lập.

Trước những biến động trên chính trường Anh, EU đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ. Theo nhà đàm phán hàng đầu EU Michel Barnier, Ủy ban châu Âu không có ý định sửa đổi thỏa thuận Brexit và ông không mấy lạc quan về khả năng có thể tránh được một cuộc chia tay không thỏa thuận đúng thời hạn.

Từ sức ép trong Nội các Anh và EU quá nặng nề nên tổng tuyển cử sớm như kêu gọi của Thủ tướng Anh là hoàn toàn có thể xảy ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>