Thế giới lo hết chỗ trữ dầu

06/04/2020 | 08:05 GMT+7

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên thế giới giảm mạnh do đại dịch Covid-19 khiến các công ty sản xuất dầu lửa lo ngại không đủ chỗ trữ dầu khi nguồn cung ngày càng tăng.

Ảnh: AFP

Theo Goldman Sachs, các cơ sở trữ dầu, nhà máy lọc dầu, tàu dầu và đường ống dẫn dầu sẽ hết chỗ chứa. Ước tính, 6 triệu thùng dầu mỗi ngày sẽ không có chỗ chứa trong tháng 4. Đến tháng 5 có thể tăng lên 7 triệu thùng/ngày.

Có một lựa chọn là chuyển dầu thô lên tàu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn không giải quyết hết được số dầu thừa.

Nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm 1/3, tương đương 30 triệu thùng/ngày khi hàng tỉ người trên thế giới hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi-rút corona (Covid-19) hoành hành.

Trong khi đó, Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (còn gọi là OPEC+) đang bàn thảo về thỏa thuận cắt giảm sản lượng chưa từng có trong nỗ lực thúc đẩy giá dầu.

OPEC+ hy vọng đây là nỗ lực toàn cầu và cần có sự tham gia của các nước ngoài liên minh này, trong đó có Mỹ (nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới).

Trước mắt, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra cam kết như thế nào sau cuộc họp với lãnh đạo các công ty dầu hôm 3-4. Tại cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết giúp đỡ nền công nghiệp dầu mỏ nhưng không hứa hẹn chuyện thuyết phục các công ty dầu trong nước cắt giảm sản lượng khai thác. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette sau đó cho biết Nhà Trắng không thương thảo với Ả Rập Saudi hoặc Nga về vấn đề trên nhưng khuyến khích hai nước này đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu lao dốc không phanh - từ 65 USD/thùng vào đầu năm còn 34 USD/thùng hôm 3-4.

OPEC đã lên kế hoạch họp khẩn trong ngày 6-4 và có thể nhất trí về thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% lượng dầu cung ứng cho thế giới. OPEC+ cũng lên kế hoạch họp trực tuyến trong ngày này nhưng hiện chưa rõ mức cắt giảm được phân bổ như thế nào giữa các nước. Một vấn đề khác, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), là mức cắt giảm 10 triệu thùng/ngày có thể không đủ trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục thấp thời gian tới.

Giá dầu thế giới hôm 30-3 có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua sau khi OPEC+ không thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Khi đó, OPEC ủng hộ cắt giảm thêm sản lượng khai thác để thúc đẩy giá dầu trong bối cảnh nhu cầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nga đã nói không với đề xuất vì cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động này. Sau khi thỏa thuận hết hạn vào cuối tháng rồi, nỗi lo nguồn cung thêm thừa mứa gia tăng với việc Ả Rập Saudi tăng cường sản lượng khai thác lên mức cao kỷ lục 12 triệu thùng/ngày trong lúc giảm giá bán cho khách hàng.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman hôm 4-4 bác bỏ cáo buộc của Nga, theo đó chính Riyadh đã rút khỏi thỏa thuận nói trên. Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Ả Rập Saudi, được xem là quốc gia đứng đầu OPEC, phải chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này khẳng định Matxcơva sẵn sàng đi đến thỏa thuận với OPEC và các đối tác khác miễn là tất cả các bên hợp tác trên cơ sở bình đẳng. Theo Reuters, ông Putin đã đề xuất giảm sản lượng dầu khai thác trên thế giới xuống khoảng 10 triệu thùng/ngày khi họp trực tuyến với các quan chức chính phủ và công ty dầu trong nước. Ông Putin cũng nhấn mạnh Matxcơva không gặp khó gì với giá dầu ở mức khoảng 42 USD/thùng, cao hơn khoảng 10-15 USD so với mức giá hiện nay.

Hiện Mỹ sản xuất 15 triệu thùng/ngày, Ả Rập Saudi 12 triệu thùng/ngày và Nga 10 triệu thùng/ngày.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>