Sai lầm kép của Iran

15/01/2020 | 09:06 GMT+7

Liên tiếp hai sự kiện gây sốc sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani đã đẩy Iran vào thế khó cả đối nội lẫn đối ngoại. 

Hiện trường vụ tai nạn máy bay UkraineIran ngày 8-1. Ảnh: BLOOMBERG

Sai lầm đáng tiếc nhất là vụ bắn tên lửa nhằm vào máy bay của Ukraine làm toàn bộ hành khách và phi cơ đoàn gồm 176 người đều thiệt mạng gần đây. Điều đáng nói là máy bay 737-800 của hãng hàng không quốc tế Ukraine bị nạn sau khi vừa cất cánh tại sân bay của Iran nên cách vận hành hoàn toàn khác với cách thức hoạt động của một tên lửa hành trình từ một cuộc tấn công trả đũa của Mỹ như biện minh quân đội Iran. Mặt khác, khi cất cánh mọi thông tin liên quan đều được công bố cho lực lượng phòng không Iran nên không thể đổ lỗi nhầm tưởng máy bay với tên lửa hành trình mà bắn hạ.

Sau tai nạn trên, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiếu tướng Hossein Salami đã nói lời xin lỗi, bày tỏ đau buồn sâu sắc nhất và cảm thấy hổ thẹn sau thảm kịch máy bay Ukraine bị bắn rơi ở Tehran. Đồng thời phía Iran cũng đã lên tiếng cho phép các điều tra viên Canada tiếp cận các mảnh vỡ và hộp đen của máy bay nhằm tìm ra sự thật làm máy bay rơi.

Trong một động thái liên quan, một nhóm bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Canada, Ukraine, Thụy Điển, Afghanistan và Anh có công dân thiệt mạng trong vụ máy bay bị Iran bắn hạ tuần trước sẽ gặp nhau ở London vào thứ năm tới (16-1) để họp bàn về hành động pháp lý đối với Iran. Cụ thể là thảo luận các giải pháp về việc bồi thường thiệt hại và điều tra làm rõ vụ việc xảy ra. Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko khẳng định, việc Iran cho rằng máy bay đã bị rơi khi bay gần một căn cứ quân sự trong thời điểm căng thẳng là “vô lý” và trách nhiệm vụ việc phải thuộc về Chính phủ Iran.

Vụ việc trên vô hình trung Iran đã làm mất lòng nhiều quốc gia liên quan. Hệ lụy của vụ việc này sẽ là các biện pháp đối phó nhằm vào Tehran trong tương lai gần.

Về đối nội, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Iran, làm gia tăng sức ép đối với giới lãnh đạo của đất nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nhóm người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu: “Họ nói dối rằng kẻ thù của chúng ta là Mỹ nhưng kẻ thù của chúng ta ở ngay đây”.

Nhóm biểu tình cũng kêu gọi các nhân viên cảnh sát cùng tham gia với họ, sau đó trút giận lên chính quyền, hô vang những khẩu hiệu chống chính phủ. Theo hãng thông tấn ILNA của Iran, cảnh sát đã được huy động để giải tán những người biểu tình, với số lượng ước tính lên đến 3.000 người.

Trước đó, để trả thù cho cái chết của Tướng Qassem Soleimani do Mỹ gây ra, Tehran đã bắn hàng chục tên lửa vào căn cứ đóng quân của Mỹ tại Iraq làm nhiều binh sĩ thương vong. Những ngày gần đây, những vụ nã pháo tương tự như vậy lại diễn ra đã khoét sâu thêm thù địch giữa Mỹ và Iran.

Mặc dù Iran khẳng định sẽ tiến hành một cuộc điều tra kỹ càng về những điều đã xảy ra và đưa những kẻ “tội phạm” ra trước công lý, tuy nhiên, những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là tại sao các nhà chức trách lại cho phép các máy bay dân sự hoạt động trên không phận trong thời điểm căng thẳng khi Iran tiến hành tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.

Quan hệ Mỹ - Iran xấu đi kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015 đi kèm với các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Tình trạng căng thẳng đó lên đến đỉnh điểm và đang đứng bên bờ vực chiến tranh khi những ngày đầu năm 2020, những vụ không kích nhằm vào nhau cứ liên tục diễn ra mặc dù những vụ việc trên đều xảy ra trên đất Iraq. Nếu tình trạng này leo thang thì không tránh khỏi chiến tranh sẽ lan sang Iran và cả Mỹ!

Từ những tình huống trên, giới phân tích cho rằng Iran đang sai lầm kép khi cùng lúc đối đầu với Mỹ và mất lòng nhiều quốc gia liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc Iran vốn dĩ đã lâm vào tình cảnh khốn khó nay lại phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>