Rời EU nhưng Anh vẫn gặp khó

30/01/2020 | 17:49 GMT+7

Sau gần 3,5 năm bế tắc, Anh đã chính thức rời EU. Đây là bước ngoặt để London chuyển sang trang mới nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Các nghị sĩ châu Âu trong phiên bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit. Ảnh: EP

Với kết quả 621 phiếu ủng hộ, 49 phiếu chống, 13 phiếu trắng, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua thỏa thuận Brexit, sau thời gian dài tiến hành thảo luận căng thẳng giữa hai bên. Như vậy ngày 29-1, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Phát biểu với báo giới, bà Ursula von der Leyen nói rằng EU mong muốn sẽ “vẫn là người bạn tốt, đối tác tốt với Vương quốc Anh. Vì nhiều lợi ích chung, chúng tôi muốn thúc đẩy một mối quan hệ đối tác mật thiết với London”.

Bà Ursula von der Leyen cũng khẳng định tình cảm dành cho các nghị sĩ Anh. Một số nghị sĩ khác thì cho rằng, cuộc bỏ phiếu này không nhằm mục đích ủng hộ hay phản đối việc Anh rời EU, mà nhằm giúp quá trình này diễn ra có trật tự, tránh được các hậu quả không mong muốn.

Kết thúc cuộc bỏ phiếu, hàng trăm nghị sĩ châu Âu đã cùng hát vang bài hát truyền thống của vùng Scotland, như một lời khẳng định, dù chia tay nhưng Anh và EU không hề xa cách.

Sau quyết định Brexit, Anh và EU sẽ bước vào thời gian quá độ, kéo dài 11 tháng, trước mắt dự kiến đến hết ngày 31-12-2020. Trong thời gian này, hai bên sẽ đàm phán về mối quan hệ trong tương lai, đặc biệt là tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do song phương. Trong thời gian này, Anh sẽ vẫn là một thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất, tức là hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường ở giai đoạn này. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định vẫn mong muốn mối quan hệ trong tương lai với EU dựa trên sự hợp tác hữu nghị.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất chế tài thương mại đối với Anh trong tương lai. Theo đó, Anh có thể bị phạt hoặc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường châu Âu nếu vi phạm cam kết thương mại. Đây là động thái của EU nhằm bảo đảm thương mại và các hoạt động tương lai với Anh hậu Brexit được bảo đảm bằng các điều khoản chặt chẽ, cho phép mỗi bên hành động quyết đoán để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp bên kia vi phạm cam kết.

Pháp và một số thành viên chủ chốt khác trong EU đang gây sức ép để Anh phải tuân thủ các quy định của EU trong những lĩnh vực như chính sách môi trường và thị trường lao động, trợ cấp của nhà nước và thuế. EU cho rằng việc tuân thủ này là “đặc biệt cần thiết” để bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu khỏi sự cạnh tranh không bình đẳng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định EU sẵn sàng “làm việc ngày và đêm” để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh vào hạn chót cuối năm nay. Cụ thể tiến trình đàm phán chính thức sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới. Chủ đề bao trùm trong tiến trình này sẽ xoay quanh câu hỏi nước Anh tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và quy định của EU như thế nào hậu Brexit?

Mặc dù đã thành công khi rời EU nhưng Anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiến trình hậu Brexit. Điều này đã được dự báo trước nhưng muốn vượt qua không hề dễ vì những lợi ích quốc gia giữa hai bên.

Theo ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán về vấn đề Brexit của EU, Anh và EU sẽ phải đàm phán lại 600 thỏa thuận quốc tế khi các thỏa thuận này hết hạn do quá trình chuyển đổi Brexit có hiệu lực. Tuy nhiên có 3 vấn đề ưu tiên. Thứ nhất là tạo ra cuộc gặp mặt định kỳ để điều phối lợi ích trong các vấn đề về biến đổi khí hậu và hòa bình ở Trung Đông. Thứ hai là vấn đề hợp tác chặt chẽ giữa EU và Anh để phòng, chống khủng bố và các mối đe dọa từ nước ngoài. Và cuối cùng là thống nhất một thỏa thuận thương mại toàn diện bao gồm cả đánh bắt cá, dựa trên sự tuân thủ của Anh đối với luật lao động của EU, tiêu chuẩn môi trường, mức thuế và hỗ trợ nhà nước...                                                                   

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>