“Nóng” chuyện Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine

22/09/2017 | 05:30 GMT+7

Trong khi các bên liên quan đang nỗ lực xúc tiến triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tới vùng ranh giới giữa quân đội Chính phủ Ukraine với phe đòi tự trị (miền Đông nước này) thì mới đây dư luận lại rộ lên chuyện Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine làm nhiều người băn khoăn.

Binh sĩ Ukraine tham gia một cuộc tập trận. Nguồn: AFP/TTXVN

Trên trang mạng xã hội, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thông báo Thượng viện Mỹ đã thông qua việc cung cấp “những vũ khí sát thương với mục đích phòng thủ cho đất nước của chúng tôi”. Dự luật được các nghị sĩ Mỹ thông qua có giá trị tổng cộng 500 triệu USD nhằm hỗ trợ quốc phòng và an ninh của Ukraine. Việc làm trên, vô hình trung đã làm gia tăng căng thẳng giữa phe đối lập và quân đội chính phủ. Bởi lẽ, theo thỏa thuận hòa bình Minsk, các bên liên quan đều rút tất cả vũ khí hạng nặng khỏi vùng giới tuyến và thực hiện ngừng bắn. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Việc Mỹ có thể cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ không thúc đẩy sự ổn định tại miền Đông nước này. Tuy nhiên, đây là tuyên bố của Tổng thống Poroshenko, chúng tôi không nghe thấy bất kỳ tuyên bố nào từ phía Mỹ liên quan tới vấn đề này”.

Trước đó, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ cho phép triển khai một phái bộ vũ trang hạng nhẹ đến bảo vệ các quan sát viên quốc tế đang giám sát cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Matxcơva muốn lực lượng này chỉ hoạt động ở dọc đường giới tuyến giữa các lực lượng của chính quyền Kiev với các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, và việc triển khai này phải được lực lượng đòi độc lập nhất trí.

Nhận định về vấn đề trên, Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker, cho biết việc Nga ủng hộ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tới miền Đông Ukraine sẽ giúp cho các nhà đàm phán an tâm nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này. Quan chức Mỹ cho rằng đề xuất của Nga là một “bước tiến” dẫn đến một cuộc thảo luận và đưa vấn đề này ra xem xét tại Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, ông Kurt Volker cũng bày tỏ quan ngại rằng một số điều khoản trong đề xuất của Nga “càng làm gia tăng sự chia rẽ tại Ukraine”. Theo quan điểm của ông Volker, không nên hạn chế phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ trong việc bảo vệ các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại đường giới tuyến ở miền Đông Ukraine.

Phía Đức cũng “hoan nghênh về nguyên tắc” đối với đề xuất của Nga, đồng thời cho biết cần chờ xem liệu các bên có thể đạt một thỏa thuận chi tiết hay không.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phản đối đề xuất này và tuyên bố phái bộ của LHQ phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát.

Hiện có khoảng 600 quan sát viên của OSCE đang có mặt tại miền Đông Ukraine, song sự hiện diện của họ cũng không giúp chấm dứt giao tranh bùng phát tại đây kể từ đầu năm 2014 tới nay. Trong 3 năm qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã thảo luận và thống nhất vấn đề này cần phải được giải quyết và cách phù hợp nhất là các bên phải thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk-2. Hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ văn kiện này.

Giới phân tích nhận định, nếu đồng loạt có nhiều quan sát viên quốc tế đi kèm với quân đội bảo vệ đồn trú tại Ukraine thì nhiều khả năng quốc gia này sẽ trở thành Syria thứ hai giữa lòng châu Âu. Bởi lẽ, ngoài tranh dành quyền lực, những nhóm quan sát viên này còn nhiều bất đồng trong thực hiện tiến trình hòa bình Minsk-2 nên khó tránh khỏi những xung đột ngoài mong muốn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>