Myanmar có bị trừng phạt ?

02/03/2021 | 17:55 GMT+7

Bất chấp cảnh báo trừng phạt của các quốc gia liên quan, các cuộc đàn áp bạo lực do chính quyền quân đội Myanmar vẫn tiếp tục diễn ra.

Gạch đá đầy đường phía trước những người biểu tình.

Mới đây, đụng độ giữa cảnh sát và quân đội Myanmar với người biểu tình phản đối đảo chính quân sự đã diễn ra vô cùng dữ dội đã làm ít nhất 18 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương. Theo đó, Cảnh sát đã bắn đạn cao su, xịt hơi cay và phun vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình phản đối chính quyền quân sự vừa được thiết lập sau một cuộc đảo chính vào đầu tháng 2-2021. Tuy nhiên, cũng có thông tin về các vụ bắn đạn thật nhằm vào người biểu tình. Trên mạng xã hội người ta đã đăng tải các bức ảnh về vỏ đạn thật đã sử dụng.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, các trường hợp tử vong là do đạn thật đã bắn trúng. Cũng theo cơ quan này công bố, đây là số cas tử vong trong 1 ngày cao nhất kể từ khi có các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên đất nước Myanmar đòi khôi phục lại chính quyền dân bầu của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Như vậy kể từ đầu tháng 2-2021, khi quân đội đảo chính giành chính quyền đến nay, tình hình an ninh chính trị ở Myanmar diễn biến ngày càng xấu hơn. Biểu tình liên tục nổ ra ở nhiều nơi dẫn đến đụng độ giữa cảnh sát và người dân. Đi kèm với những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình là hành động bạo lực bắt đầu leo thang làm nhiều người thương vong.

Trước những diễn biến xấu trên, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan đã lên tiếng phản đối. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình ở Myanmar, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc sử dụng vũ khí sát thương là không thể chấp nhận được. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi một thông điệp rõ ràng, yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar.

Cùng quan điểm trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh sẽ “ủng hộ nhân dân Myanmar”, đồng thời khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc quy trách nhiệm cho những đối tượng liên quan”.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận, khối này sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar. Trước đó, các bộ trưởng châu Âu đã nhất trí về những biện pháp trừng phạt quân đội Myanmar do tiến hành đảo chính, đồng thời quyết định dừng một số hoạt động viện trợ phát triển.

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường” sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này. Tuyên bố của ASEAN nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại rằng, sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Liên quan đến khả năng Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar bằng cách ngừng viện trợ tài chính, ông Kato cho biết, Chính phủ Nhật Bản “đang theo dõi sát sao tình hình” tại Myanmar và cân nhắc các lựa chọn.

Trước đó, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau đã ra tuyên bố khẳng định, Canada sẽ “sát cánh cùng người dân Myanmar” và sẽ xem xét áp dụng các biện pháp bổ sung để phản đối tình trạng bạo lực này.

Còn nhớ, ngày 1-2-2021, quân đội Myanmar đã đảo chính nắm chính quyền sau khi bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm.

Từ những diễn biến trên cho thấy, quân đội Myanmar khó có thể nhường lại chính quyền cho nhân dân. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy, nhiều khả năng quốc gia Đông Nam Á này sẽ bị trừng phạt như cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>