Mỹ tuyên bố không rút quân khỏi Iraq

13/01/2020 | 04:43 GMT+7

Mỹ đã bác yêu cầu của Iraq rút quân khỏi nước này, đồng thời đang cân nhắc khả năng mở rộng sự hiện diện của NATO tại đây.

Căn cứ quân sự Mỹ tại Balad, Iraq.

Trước đó, Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cử phái đoàn tới Iraq để xây dựng cơ chế rút quân đội Mỹ khỏi nước ông. AP dẫn tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết đề nghị được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai ông Abdul-Mahdi và Pompeo tối 9-1 (giờ địa phương). Tuyên bố nói thêm “ông Pompeo là người gọi điện”. Nhà lãnh đạo Iraq yêu cầu ngoại trưởng Mỹ cử phái đoàn tới Iraq để xây dựng cơ chế rút quân đội nước ngoài - bao gồm lực lượng Mỹ - khỏi nước ông.

“Thủ tướng (Abdul-Mahdi) nói rằng lực lượng Mỹ đã vào Iraq và máy bay không người lái (UAV) của họ đang bay trong không phận Iraq mà không được sự cho phép của chính quyền sở tại. Đây là một sự vi phạm các thỏa thuận song phương” - tuyên bố nhấn mạnh.

Theo AP, đề nghị mới nhất của ông Abdul-Mahdi cho thấy Iraq kiên quyết muốn Mỹ rút lực lượng bất chấp Mỹ và Iran đang hướng tới việc xuống thang căng thẳng. Nhà lãnh đạo Iraq lưu ý Baghdad phản đối tất cả vi phạm chống lại chủ quyền của mình, trong đó có vụ Iran bắn tên lửa đạn đạo vào căn cứ Mỹ ở Iraq và cuộc không kích hạ sát Tướng Soleimani.

Về phía Mỹ, các quan chức quân sự hàng đầu của nước này bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, cho biết Mỹ không có kế hoạch rút quân đội khỏi Iraq.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ không có phái đoàn Mỹ nào đàm phán về việc rút quân khỏi Iraq vì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây là hợp lý. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morga Ortagus cho hay Chính phủ Mỹ và Iraq cần đối thoại không chỉ về an ninh mà còn quan hệ đối tác tài chính, kinh tế và ngoại giao.

Ông Pompeo cho biết phái đoàn NATO đã có mặt tại Washington hôm 10-1 để thảo luận về nhiệm vụ tương lai ở Iraq và kế hoạch chia sẻ gánh nặng ngay trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng đã thảo luận với người đồng cấp Canada Francois Philippe Champagne vấn đề Iran cũng như cơ hội mở rộng lực lượng NATO ở Iraq và vấn đề chia sẻ gánh nặng.

Nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite hàng đầu của Iraq Ali al-Sistan hôm 10-1 lên án cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran đang diễn ra trên lãnh thổ Iraq khi cho rằng điều đó có nguy cơ khiến một quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá và cả Trung Đông chìm sâu vào xung đột.

Ông Ali al-Sistani cho rằng người Iraq đã phải chịu tổn hại nhiều nhất từ cuộc xung đột Mỹ - Iran. Trong thông điệp được đưa ra hôm 10-1, đại giáo chủ al-Sistan nói rằng không nước nào được phép quyết định số phận của Iraq. “Các hành vi gây hấn nguy hiểm mới nhất liên tục vi phạm chủ quyền của Iraq khiến tình hình xấu đi”, lãnh đạo Hồi giáo này nói.

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Quốc hội Iraq Mohammad Ridha cho biết, chính quyền Baghdad đang “tái đàm phán về thương vụ mua tên lửa S-300” với Nga, trong bối cảnh Mỹ gần đây liên tiếp tiến hành các vụ không kích trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên ông này cũng nói thêm rằng, hiện ông chưa rõ thương vụ đang ở tiến độ nào, nhưng vụ mua bán này đang được giới lãnh đạo Iraq “bật đèn xanh”. Ông nhận định, người Mỹ sẽ không để thương vụ này diễn ra suôn sẻ. “Chúng tôi đang chờ sự phản đối từ phía Mỹ trong vấn đề này”, ông nói.

Chính quyền Washington thường gây áp lực lên những quốc gia đã và đang có ý định mua các hệ thống tên lửa phòng không được chế tạo bởi Nga. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu nhiều lệnh trừng phạt áp đặt từ Mỹ, cũng như Ấn Độ chịu sức ép của Washington nhằm buộc quốc gia Nam Á này từ bỏ ý định mua tên lửa S-400.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>