Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran: Hậu quả khó lường

10/05/2018 | 05:33 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 và áp đặt trừng phạt trở lại với Iran. Điều này đã gây ra phản ứng trái chiều đối với dư luận thế giới.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1. Ảnh: BBC  

Sở dĩ Mỹ rút khỏi JCPOA bởi Tổng thống Trump cho rằng: “Đây là một thỏa thuận tồi, một chiều, thảm họa và không có ích gì cho hòa bình”. Ông Trump cho biết thêm, dựa trên các thông tin tình báo của Israel, Chính phủ Iran đã gian dối về chương trình hạt nhân của nước này. Theo ông chủ Nhà Trắng, Iran vẫn tiếp tục là một nước bảo trợ khủng bố. Do vậy, Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận và Washington sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Đây là động thái tiếp theo của ông Trump nhằm hiện thực quá chương trình hành động của mình khi tranh cử Tổng thống Mỹ. Bởi lẽ, ngay từ khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã thể hiện rõ lập trường phản đối thỏa thuận được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama này. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump nhiều lần gọi thỏa thuận là văn kiện “nguy hiểm”, không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hệ lụy của quyết định rút khỏi JCPOA rất lớn không những ảnh hưởng trực tiếp đến Iran và nhiều quốc gia trong khu vực mà còn tạo tiền lệ để những quốc gia khác trên thế giới theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tác động trực tiếp là Mỹ “tự cô lập” mình với các đồng minh phương Tây khác như Anh, Pháp và Đức - những nước coi thỏa thuận này là công cụ cần thiết nhằm kiềm chế nguy cơ Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, việc Nhà Trắng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên Nhóm P5+1 vốn ủng hộ văn kiện này.

Ngay sau tuyên bố rút khỏi JCPOA của Tổng thống Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran khẳng định Tehran vẫn tuân thủ JCPOA. Tuy nhiên, Iran sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra… Nếu Mỹ đã vi phạm thỏa thuận, đồng thời sẽ là ngây thơ khi đàm phán lại với nước này.

Trong một động thái liên quan, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri tuyên bố năng lực quân sự của Iran có thể ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA đã gây ra phản ứng trái chiều đối với nhiều quốc gia liên quan. Theo đó, ngoại trừ Saudi Arabia tuyên bố ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump, phần lớn các quốc gia khác đều phản đối quyết định này. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định Thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt những thành tựu lớn trong việc phi phổ biến hạt nhân cũng như là thành quả của ngoại giao. Thỏa thuận cũng đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế. Đồng thời ông Guterres cũng kêu gọi các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran tuân thủ các cam kết của thỏa thuận.

Tổng thống Pháp E. Macron nói rằng các đồng minh của Mỹ là Anh - Pháp - Đức “lấy làm tiếc” về quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Còn Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh để giải quyết bất kỳ thiếu sót nào trong thỏa thuận hạt nhân Iran, song Chính phủ Anh cho rằng quan trọng là duy trì được thỏa thuận lịch sử này. Mới đây, ba cường quốc châu Âu là Đức, Anh, Pháp đã ra thông cáo chung khẳng định tiếp tục ủng hộ và thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cảnh báo việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ dẫn tới tình huống “rất nghiêm trọng”, Matxcơva sẽ xem xét và có quyết định ở cấp lãnh đạo cao nhất. Theo ông Peskov, tình huống nghiêm trọng ở đây liên quan đến những hậu quả khi hệ thống thỏa thuận, dù mong manh nhưng không thể thay thế, giữa các nước liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran và về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân không còn tồn tại. Ông Peskov khẳng định Nga có chung quan điểm với các lãnh đạo châu Âu, đó là không ủng hộ phá vỡ thỏa thuận này.

Dù chưa khẳng định nhưng giới phân tích đều cho rằng, việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ gây xáo trộn tiến trình phi hạt nhân hóa vũ khí hạt nhân, mở đường cho cuộc đua vũ trang mới ở Trung Đông và nhiều quốc gia liên quan. Sâu xa hơn việc làm này của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ngoài mong muốn.

Thỏa thuận hạt nhân được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và thêm Đức) còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Theo đó, Iran đồng ý giảm quy mô của kho urani làm giàu, vốn được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân khoa học song cũng có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân - trong vòng 15 năm và giảm số lượng máy ly tâm để làm giàu urani trong 10 năm. Iran cũng đồng ý chuyển các thanh nhiên liệu urani làm giàu cấp độ cao của nước này ra nước ngoài, đồng thời biến đổi một cơ sở hạt nhân nước nặng để nơi này không thể sản xuất plutoni ở cấp độ vũ khí. Đổi lại, các lệnh trừng phạt do LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm vào nền kinh tế Iran được dỡ bỏ. Thỏa thuận này đã được các quốc gia liên quan thực thi rất nghiêm túc cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>