Mỹ lúng túng trong giải quyết mâu thuẫn Nhật – Hàn

19/07/2019 | 07:24 GMT+7

Mỹ đang rơi vào tình thế khó khăn khi phải làm trung gian hòa giải cho hai đồng minh Nhật - Hàn.

Nguồn:  ABS-CBN News

Mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phát sinh từ các quyết định của một tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tuy nhiên, phía Nhật Bản cho rằng vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, cho phép Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD, nhưng các luật sư Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Đến tháng 1-2019, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết.

Căng thẳng giữa Tokyo và Seoul càng leo thang kể từ ngày 4-7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Trong khi đó, 94% nhu cầu về các vật liệu trên Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản. Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.

Việc siết chặt quy định này có thể làm tổn thương các công ty công nghệ trên toàn cầu, trong đó có cả Samsung - tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc đang hoạt động tại bang Texas, Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho rằng: “Việc làm trên của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng xấu đến các công ty như Apple, Amazon, Dell, Sony và hàng tỉ người tiêu dùng trên toàn thế giới”. Nếu Tokyo đi quá xa chẳng hạn như loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” các quốc gia hữu hảo bằng cách hạn chế giao thương ở mức độ tối thiểu, thì điều này sẽ gây ra “rất nhiều vấn đề nghiêm trọng” và gây căng thẳng trong quan hệ giữa bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cũng kêu gọi Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế về thương mại, đồng thời nói thêm rằng Hàn Quốc sẽ sớm công bố kế hoạch để khiến chuỗi cung ứng của họ trở nên độc lập hơn. 

Trước đó, ngày 16-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từ chối đề nghị khởi động một quy trình trọng tài chính thức để giải quyết vấn đề tồn đọng lâu nay giữa hai quốc gia, theo quy định trong Hiệp ước về Quan hệ cơ bản giữa Nhật Bản và Hàn Quốc năm 1965.

Về phần mình, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura hối thúc Hàn Quốc “thực hiện các bước đi phù hợp” để giải quyết những tranh cãi giữa hai bên về vấn đề lao động ép buộc thời chiến. “Chúng tôi không thay đổi lập trường, hối thúc Hàn Quốc thực hiện các bước đi phù hợp và kịp thời để tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965”.

Trong diễn biến liên quan, mới đây quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á David Stilwell cho biết, Washington sẽ “làm những gì có thể” để giúp tháo gỡ những căng thẳng thương mại và chính trị đang leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo ông, về cơ bản, SeoulTokyo cần phải giải quyết các vấn đề nhạy cảm. Quan chức ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên sớm tìm ra hướng đi, đồng thời khẳng định Washington sẽ đóng góp trong khả năng có thể cho các nỗ lực tháo gỡ vấn đề.

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung hiện Mỹ đang lúng túng chưa tìm được giải pháp để tháo gỡ mâu thuẫn giữa hai đồng minh lớn ở châu Á là Nhật - Hàn. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ đến Mỹ vì hiện ngoài vấn đề kinh tế, Washington có khoảng 8.000 binh lính đang đồn trú tại đây.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>