Một năm cầm quyền của Tổng thống Pháp

14/05/2018 | 08:45 GMT+7

Hôm nay (14-5) đánh dấu một năm cầm quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông đã trở thành nhân vật chủ chốt trên “sân chơi” chính trị thế giới, lên tiếng cho giá trị dân chủ châu Âu và phương Tây. Tuy nhiên, tại quê nhà, ông vẫn cần thêm thời gian để khẳng định tầm nhìn và chính sách của mình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS

Lĩnh vực đối ngoại được xem là điểm sáng trong năm đầu tiên cầm quyền của nhà lãnh đạo Pháp. Khi đầu tàu còn lại của EU là Đức còn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, nhà lãnh đạo Pháp đã nổi lên như một người phát ngôn dẫn dắt của châu Âu. Từ công cuộc gắn kết lục địa già, cải tổ liên minh EU, đến khởi động chương trình tham vấn công dân và sáng kiến “Làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại” nhằm thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đều không thể thiếu vắng cái tên Emmanuel Macron. Mới đây nhất, nhà lãnh đạo Pháp đã vinh dự nhận giải Charlemagne - giải thưởng danh giá nhất được thành phố Aachen của Đức trao tặng những nhân vật có đóng góp đặc biệt trong công cuộc xây dựng EU.

Rộng hơn, đối với thế giới, Tổng thống Emmanuel Macron trở thành nhân vật chủ chốt trên “sân chơi” chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, với phương châm “nước Mỹ trên hết”, đang thực hiện hàng loạt các biện pháp bảo hộ thương mại và các chính sách có lợi cho nước Mỹ, thì Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Macron là quốc gia giương cao ngọn cờ hội nhập, bảo vệ tự do thương mại (đi đầu trong góp phần giải quyết các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU), tiếp tục đi tiên phong trong vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong nước, Tổng thống Macron đã nỗ lực thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử, trong đó có các nỗ lực cải cách sâu rộng và toàn diện nước Pháp từ đề xuất cải cách Hiến pháp, cải cách luật lao động, cải cách tư pháp, luật tị nạn và nhập cư, đến các cải cách xã hội như cải cách công ty đường sắt quốc gia (SNCF) hay cải cách giáo dục đại học.

Theo một  thống kê, trong tổng số 85 đề xuất cải cách của ông Macron trước khi lên làm Tổng thống, sau 1 năm, đã có 8 đề xuất được thực hiện thành công, 45 đề xuất đang triển khai, 6 đề xuất được thực hiện một phần, 24 đề xuất đang thực hiện nhưng chưa đạt kết quả và 2 đề xuất thất bại. Nhiều cải cách của chính phủ dưới thời Macron được người dân Pháp đánh giá đang đi đúng hướng như chính sách đối ngoại, hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách với Liên minh châu Âu, chính sách chống khủng bố hay cải cách đời sống chính trị.

Tuy nhiên, một số chính sách dưới thời Tổng thống Macron đã tạo ra những mâu thuẫn không nhỏ trong chính giới, thậm chí là trong nội bộ liên minh cầm quyền, cùng với đó là sự phản đối của một bộ phận người dân Pháp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn mà những lĩnh vực công việc trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các cải cách của Chính phủ Pháp. Một số cải cách của Tổng thống Macron bị người dân đánh giá rất tiêu cực như chính sách về tị nạn và nhập cư, chính sách về hệ thống hưu trí, cải cách y tế, cải thiện sức mua  hay giảm bất bình đẳng xã hội…

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, ông Macron đang thể hiện là một Tổng thống của tầng lớp giàu có trong xã hội. Cùng với cam kết cải cách toàn diện nước Pháp, Tổng thống Macron cũng cam kết cải cách tầng lớp lãnh đạo trong chính phủ mà theo ông cần phải “hiện đại hóa”, những chính trị gia ở tầng lớp thượng lưu mà phong cách lãnh đạo đã không còn chiếm được sự tin tưởng của người dân. Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, vị trí lãnh đạo các cơ quan chủ chốt của Pháp được bổ nhiệm trong 1 năm qua phần lớn lại là những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu và doanh nhân. Chính vì điều này mà giới phân tích Pháp cho rằng, cuộc cách mạng trong chính giới của Tổng thống Macron đã thất bại và đầu hàng trước tầng lớp giàu có của nước Pháp.

Còn quá sớm để khẳng định các cải cách trong nước và các chính sách đối ngoại của Tổng thống Macron có thành công hay không khi vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều về những quyết sách của người đứng đầu nước Pháp đối với cuộc tấn công nhằm vào Syria hay tác động gây chia rẽ xã hội của một số chính sách trong thời gian vừa qua.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>