Mong manh tín hiệu hòa bình cho Venezuela

11/07/2019 | 08:44 GMT+7

Sau nhiều lần đàm phán bất thành giữa chính phủ và phe đối lập ở Venezuela, nhiều người kỳ vọng đàm phán lần này sẽ mở ra hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ này dù rất mong manh.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo phái đoàn chính phủ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với phe đối lập tại Barbados (Na Uy) để tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng chính trị và xúc tiến hòa bình cho quốc gia này. Ông Maduro gọi đây là một khởi đầu đáng khích lệ, đồng thời cho biết ông luôn cập nhật các thông tin từ trưởng phái đoàn chính phủ trong các ngày đàm phán.

Chính phủ Venezuela cam kết thực hiện mọi nỗ lực để tiến trình đàm phán có thể giúp thiết lập đối thoại thường xuyên vì hòa bình, mở ra con đường hướng tới sự ổn định xã hội mà người dân Venezuela luôn mong muốn.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez khẳng định: “Lịch sử sẽ công nhận lập trường kiên cường của chính phủ Bolivar trong việc ủng hộ phương án đối thoại”. Đồng thời ông Rodriguez hy vọng, những nỗ lực của Tổng thống Nicolas Maduro nhằm củng cố hòa bình và tinh thần hiểu biết dân tộc sẽ mang lại kết quả.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela, ông Juan Guaido cũng vừa ra tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi cũng theo đuổi một mục tiêu tương tự: Đó là đạt được một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng tại đất nước của chúng tôi”. Tuy nhiên, ông Guaido cũng cho biết lập trường của phe đối lập là được chứng kiến “hồi kết của các hành động chiếm đoạt, một chính phủ chuyển tiếp và các cuộc bầu cử tự do với sự tham gia của các quan sát viên quốc tế”. Ông Juan Guaido cho rằng: “Động cơ chính của chúng tôi là chấm dứt nỗi thống khổ của người dân Venezuela và vì điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình”.

Đây được xem là một sự thay đổi lập trường từ phe đối lập bởi vào ngày 2-7, ông Guaido đã tuyên bố rằng, những người ủng hộ ông sẽ không tham gia đàm phán với đại diện của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Trước đó, hồi tháng 5-2019, các phái đoàn đại diện chính phủ và phe đối lập Venezuela đã gặp nhau tại Oslo (Na Uy) để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại quốc gia Nam Mỹ này, song đã không đạt được kết quả nào.

Khủng hoảng chính trị bùng phát tại Venezuela từ ngày 23-1, sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido bác bỏ vai trò của Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro và tự phong làm Tổng thống lâm thời của Venezuela. Mỹ và một số nước đồng minh ở khu vực Mỹ Latinh đã công nhận chức vụ tự phong của ông Guaido. Ngoài ra, một số nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hưởng ứng động thái trên của Mỹ sau khi chính quyền Caracas bác bỏ lời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới vào khoảng thời điểm do EU ấn định. Trong khi nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ... bày tỏ ủng hộ Tổng thống Maduro.

Hệ lụy của khủng hoảng chính trị ở Venezuela đã dẫn đến nội chiến đẫm máu làm rất nhiều người thương vong, đời sống người dân lâm vào cảnh khốn khó. Nguyên nhân sâu xa là sự đối đầu giữa Tổng thống Maduro và lãnh đạo phe đối lập Guaido đã trở thành nguồn cơn khiến bất ổn lan rộng tại Venezuela, khiến người dân nước này phải gánh chịu nhiều thống khổ.

Do vậy mặc dù rất mong manh nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng vào cuộc đàm phán lần này sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng chính trị tìm ra giải pháp hòa bình cho Venezuela.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>