Mong manh hòa bình ở bán đảo Triều Tiên

15/11/2018 | 08:47 GMT+7

Mỹ - Hàn Quốc sẽ nối lại tập trận chung, Triều Tiên bí mật theo đuổi chương trình hạt nhân là những lý do chính khiến hòa bình ở bán đảo Triều Tiên rơi vào tình thế mong manh.

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc tham gia tập trận chung Giải pháp then chốt tại Goyang, Hàn Quốc ngày 15-3-2017. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo đó, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc sẽ được nối lại vào mùa xuân tới nếu không có tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Giới chức Mỹ đã thể hiện rõ lập trường này với phía Nhật Bản kể từ tháng 9 vừa qua. Liên minh Mỹ - Hàn có thể sẽ nối lại các cuộc tập trận chung mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”. Việc Mỹ nối lại tập trận chung với Hàn Quốc được cho là nhằm gây sức ép về mặt quân sự đối với Triều Tiên để đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cam kết.

Những thông tin trên được chính quyền Mỹ thông báo cho phía Nhật Bản nhằm tạo sự đồng thuận của đồng minh. Bởi Nhật Bản, quốc gia luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì sức ép với Bình Nhưỡng, ủng hộ lập trường mới nhất của Mỹ về các cuộc tập trận thường niên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngừng vô thời hạn sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng sáu vừa qua tại Singapore. Một nhà ngoại giao Nhật Bản khẳng định: “Việc tiếp tục đình chỉ các cuộc tập trận quy mô lớn khi mà không có tiến triển trong đàm phán Mỹ - Triều Tiên sẽ có lợi cho Bình Nhưỡng”.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến sẽ quyết định vấn đề này với Mỹ trước ngày 1-12 tới.

Trong một thông tin liên quan, các chuyên gia Mỹ đã xác định được 13 căn cứ trong tổng số 20 căn cứ tên lửa bí mật mà Triều Tiên đang che giấu ở các vùng núi xa xôi. Dựa trên những hình ảnh từ vệ tinh, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) nhận định Triều Tiên vẫn đang tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo và họ đã xác định được một số căn cứ nhỏ chưa được công bố của Bình Nhưỡng. CSIS cho biết: “Việc Triều Tiên dừng hoạt động cơ sở phóng vệ tinh Sohae vừa qua chỉ nhằm thu hút được nhiều sự chú ý của truyền thông, vừa che giấu được các căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật khỏi mối đe dọa quân sự từ lực lượng Mỹ và Hàn Quốc. Các căn cứ tên lửa này, vốn được sử dụng cho mọi loại tên lửa đạn đạo từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SPBM) trở lên và bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Bình Nhưỡng cần phải công khai, xác minh và dỡ bỏ trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa cuối cùng và có thể xác minh đầy đủ nào”.

Những phát hiện trong báo cáo này làm dấy lên nghi ngờ về lời khẳng định của ông Trump về những tiến triển “không thể tin được” trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Theo đánh giá của ông Trump, những thỏa thuận gần đây của Washington và Bình Nhưỡng là cánh cửa mở ra tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Thực hư của những phát hiện trên thế nào chưa rõ, nhưng thời gian qua Triều Tiên đã chuyển biến đáng kể trong thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Cụ thể là Bình Nhưỡng và Seoul đã liên tục gặp gỡ cấp cao để tiến dần đến hòa bình giữa hai miền Triều Tiên. Gần đây nhất, hai bên đã nhất trí “thí điểm” dỡ bỏ các trạm gác trong Khu vực phi quân sự (DMZ). Việc này sẽ tạo điều kiện cho người dân hai miền Triều Tiên và du khách nước ngoài được phép vượt qua đường phân định ranh giới quân sự (DMZ) giữa hai miền từ 9-17 giờ hàng ngày.

Về đối ngoại, gần 1 năm qua Triều Tiên đã không thử nghiệm một tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân nào, đóng cửa bãi thử hạt nhân lớn nhất cùng với đó tuyên bố tháo dỡ một số cơ sở khác và cho phép thanh sát viên quốc tế tới kiểm tra. Những động thái trên cho thấy thiện chí của Bình Nhưỡng nhằm hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và lập lại hòa bình cho hai miền liên Triều.

Trong khi đó, Mỹ vẫn chủ trương cứng rắn sẽ không từ bỏ trừng phạt kinh tế cho đến khi phi hạt nhân hóa có những bước tiến cụ thể hơn, hướng tới đạt được mục tiêu. Ngoài ra, những động thái nghi ngờ và thiếu thiện chí của Mỹ gần đây đã làm cho Triều Tiên mất kiên nhẫn. Nhiều khả năng, Bình Nhưỡng có thể đảo ngược chính sách trước đó nếu Mỹ không thay đổi lập trường.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>