Khó giải bài toán nhân đạo ở Syria

09/01/2020 | 18:55 GMT+7

Hơn 3 triệu dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, hiện đang bị mắc kẹt và sống trong những lều, lán tạm bợ tại khu vực xảy ra chiến sự ở Syria trong mùa Đông khắc nghiệt cần được cứu trợ kịp thời là bài toán khó đối với quốc gia Trung Đông này.

Phát hàng cứu trợ cho người dân Syria ở Abu Duhur, tỉnh Idlib. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Mark Cutts, Phó Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Syria, đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về số phận của những người dân thường hiện đang phải trốn chạy khỏi vùng chiến sự đang diễn ra ác liệt ở tỉnh Idlib, Syria. Cụ thể chỉ tính riêng từ giữa tháng 12-2019 đến nay đã có ít nhất 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa để tị nạn. Hiện tổng số người phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự ở khu vực phiến quân nắm giữ trong 8 tháng qua đã lên tới hơn 700.000 người.

Tuy nhiên, đáng quan ngại là vẫn còn hơn 3 triệu dân thường, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, hiện đang bị mắc kẹt tại khu vực xảy ra chiến sự, chưa kể tới yếu tố thời tiết mùa Đông khắc nghiệt ở khu vực này. Thêm vào đó, nhiều người đang phải sống trong lều và lán trại tạm bợ thiếu thốn mọi thứ và bị đe dọa bởi bệnh tật.

Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ cho biết, làn sóng người di cư tị nạn khiến tình hình ở Idlib, một tỉnh vốn đã đông dân và là nơi tạm trú của nhiều người dân đến từ khắp Syria, thêm hỗn loạn.

Ông Mark Cutts cho biết người dân ở khu vực này thiếu trầm trọng lương thực, thực phẩm, chỗ ở tạm và các dịch vụ cơ bản, chưa kể nhiều trường học, nhà thờ và các cơ quan thường xuyên bị nã đạn pháo. Hiện ít nhất 13 cơ sở y tế ở Idlib đã phải ngừng hoạt động vì lý do an ninh.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 9 năm (kể từ năm 2011 đến nay) xảy ra nội chiến đẫm máu tại Syria đã có hơn 380.000 người chết. Trong số này, có hơn 115.000 dân thường thiệt mạng bao gồm 22.000 trẻ em và 13.612 phụ nữ. Ngoài ra, hơn 128.100 binh sĩ quân đội Syria, các thành viên của các nhóm dân quân Syria và binh sĩ của liên minh nước ngoài. Trong số các thành viên dân quân thiệt mạng bao gồm 1.682 tay súng Hezbollah của Lebanon.

Cùng với đó, hơn 69.100 chiến binh nổi dậy và phe đối lập cũng như các chiến binh người Kurd, và hơn 67.000 thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Hayat Tahrir al-Cham (HTS), một nhánh cũ của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda ở Syria và các nhóm thánh chiến khác, đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.

Hiện tại, LHQ đang tiếp tục kêu gọi các bên tham chiến tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho người dân theo đúng luật nhân đạo quốc tế và chấm dứt ngay các hành động đối đầu quân sự. Cùng lúc này, nhiều tổ chức từ thiện, nhân đạo trên thế giới đã và đang có nhiều nỗ lực để tìm cách viện trợ nhân đạo đối với người tị nạn Syria, tuy nhiên, kết quả cũng còn khá khiêm tốn.

Mới đây, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức các phiên họp về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi tiếp tục cho phép viện trợ khẩn cấp qua biên giới. Hàng viện trợ nhân đạo hiện đang được đưa vào khu vực Tây Bắc Syria, thành trì cuối cùng của phiến quân, thông qua các chốt kiểm soát của LHQ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, mà không được Damascus cấp phép chính thức. Tuy nhiên, biện pháp này dự kiến sẽ hết hiệu lực ngày hôm nay. Do đó, các bên vẫn đang lúng túng để tìm ra giải pháp cứu trợ nhân đạo. Các nguồn tin ngoại giao cho biết hiện các cuộc họp vẫn chưa được tiến triển nào.

Trong khi đó, hàng triệu người dân Syria vẫn còn bị kẹt giữa vòng chiến phải sống trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ và tính mạng bị đe dọa từng ngày. Một giải pháp nhân đạo kịp thời để những người dân vô tội này có được điều kiện sống khá hơn đang được các tổ chức nhân đạo và các quốc gia liên quan đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bài toán khó về cứu trợ nhân đạo ở Syria vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>