Khó cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran

26/04/2018 | 09:01 GMT+7

Việc Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã dấy lên lo ngại Tehran sẽ quay lại phát triển vũ khí hạt nhân. Tìm giải pháp để cứu vãn thỏa thuận này đang được các quốc gia liên quan xúc tiến triển khai.

Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền Trung Iran. Nguồn: AP/TTXVN

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Mỹ 3 ngày trong bối cảnh hai bên có những bất đồng về thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Macron cho biết việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ tốt hơn, thay vì loại bỏ nó. Ông Macron tuyên bố không có “Kế hoạch B” cho việc ngăn chặn điều mà ông gọi là “tham vọng hạt nhân của Tehran”.

Mặc dù chưa có tuyên bố chung nào về thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) trong cuộc gặp gỡ nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran, tuy nhiên ông Trump không tỏ dấu hiệu rõ ràng về việc liệu ông có thực hiện lời đe dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết với Tehran hồi năm 2015 hay không.

Hiện châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức đang cố thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận JCPOA, khẳng định rằng đây là cơ hội duy nhất để ổn định khu vực cũng như kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran ít nhất là cho đến năm 2025. Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhấn mạnh một thỏa thuận hạt nhân dù không hoàn hảo còn tốt hơn không có thỏa thuận nào. Bà Merkel khẳng định Đức sẽ “theo dõi sát sao” nhằm đảm bảo thỏa thuận này được thực thi đầy đủ.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức được đưa ra trong bối cảnh còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến thời hạn chót 12-5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để yêu cầu sửa đổi thỏa thuận hạt nhân trên, nếu không Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Trong một động thái liên quan, cả Liên Hiệp Quốc, Nga, Trung Quốc cũng muốn bảo vệ và duy trì JCPOA. Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc Izumi Nakamitsu đã hối thúc các bên tham gia trong thỏa thuận hạt nhân Iran không từ bỏ thỏa thuận này. Bà Nakamitsu nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn cam kết đầy đủ đối với việc thực hiện và duy trì dài hạn thỏa thuận nay”. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây, cho biết ông đã nhất trí với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng Matxcơva và Bắc Kinh sẽ tìm cách ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Chúng tôi phản đối việc hủy bỏ những thỏa thuận đó. Chúng tôi cho rằng sẽ vô cùng phản tác dụng khi cố gắng làm tiêu tan công sức mà quốc tế đã tiến hành trong nhiều năm để đạt được JCPOA.

Tuy nhiên, phía Mỹ tỏ ra rất cương quyết rút khỏi JCPOA. Mới đây, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không có thông cáo về thỏa thuận hạt nhân Iran khi làm việc với Tổng thống Pháp. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh: “Tổng thống đã nêu rất rõ rằng đó là một thỏa thuận tồi. Điều đó chắc chắn không thay đổi”.

Trả đũa lại tuyên bố của Mỹ, Iran cũng tuyên bố sẽ không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào ngoài JCPOA và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Iran cũng đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã nhất trí.

Từ những diễn biến trên cho thấy, JCPOA nhiều khả năng bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ quay lại trừng phạt kinh tế Iran và nhiều khả năng Tehran cũng sẽ quay lại phát triển vũ khí hạt nhân để đáp trả lệnh trừng phạt đó. Hệ lụy của việc này sẽ dẫn đến thêm một quốc gia nữa theo đuổi thứ vũ khí hủy diệt. Đây thật sự là nỗi lo của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) được ký vào năm 2015. Theo đó, Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, gần đây Mỹ lại đơn phương tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu các đồng minh châu Âu không sửa chữa một số điểm sai sót trong thỏa thuận vào giữa tháng 5 tới. Điều này làm cho nhiều quốc gia băn khoăn, lo ngại nên tìm mọi cách để cứu vãn.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>