Iran dọa hủy thỏa thuận hạt nhân trước bầu cử Mỹ

10/11/2019 | 12:42 GMT+7

Iran cảnh báo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa nước này với Nhóm P5+1 còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), có thể sụp đổ ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 nếu không đạt được giải pháp nào trong vài tháng tới.

Cơ sở làm giàu urani ở Iran. Ảnh: AP

Phát biểu bên lề Hội thảo không phổ biến vũ khí hạt nhân Matxcơva (Nga), Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết: “Các cuộc bầu cử tại Mỹ hay Iran không nằm trong tính toán của Iran trong vấn đề lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia. Chúng tôi vẫn thực hiện các chính sách của mình cho dù bất kỳ ai được bầu trong cuộc bầu cử tổng thống tới tại Mỹ”.

Cùng ngày 9-11, Iran tuyên bố nước này hiện đang làm giàu urani tới 5%, sau khi tiến hành các bước rút dần cam kết theo JCPOA. Thỏa thuận này cho phép Iran làm giàu urani ở mức giới hạn là 3,67% nhưng Tehran đã tuyên bố không tuân thủ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi xác nhận căn cứ vào nhu cầu và khối lượng đặt hàng, Iran hiện đang sản xuất (urani) ở mức 5%. Ông này cho biết thêm Iran có khả năng làm giàu urani ở mức 5%, 20%, 60% hay bất kỳ mức độ nào khác.

Tuyên bố khi chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh: “Khi nào châu Âu quay lại với toàn bộ các cam kết của mình, chúng tôi sẽ quay lại toàn bộ các cam kết của mình. Cũng như các bước đi trước đây thì đây là bước đi không thể đảo ngược của Iran khi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân không được phía phương Tây tuân thủ đầy đủ”.

Đây là bước đi thứ tư của Iran kể từ tháng 7 nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ kể từ khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Hiệp định năm 2015 nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran để đổi lấy dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhưng Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi hồi tháng 5-2018. Các quốc gia khác cùng tham gia thỏa thuận là Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đã cố gắng duy trì thỏa thuận. Nhưng các lệnh trừng phạt đã khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran gặp khó khăn, giá trị đồng tiền nước này giảm mạnh, và đẩy tỷ lệ lạm phát tăng vọt.

Theo các nhà phân tích, việc Iran tiếp tục thu hẹp cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là một bước đi nguy hiểm, đặt thỏa thuận hạt nhân trước những mối đe dọa đổ vỡ lớn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, động thái mới nhất của Tehran là rất nghiêm trọng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Iran tuân thủ đầy đủ nội dung của thỏa thuận, đồng thời cho rằng chính việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt trừng phạt chống Iran đã gây ra tình thế như hiện nay.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, việc Iran bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân nhằm tiến tới làm giàu urani là không thể chấp nhận được. Đồng thời, ông kêu gọi Iran tuân thủ hoàn toàn các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký vào năm 2015 với Nhóm P5+1.

Những động thái thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân từ phía Iran được xem như một hành động của Iran nhằm gây sức ép với các nước châu Âu, rằng nếu các nước này tiếp tục chậm trễ và để Iran một mình chống đỡ các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, thì Kế hoạch Hành động chung toàn diện cuối cùng chắc chắn sẽ đổ vỡ.

Thế nhưng Liên minh châu Âu (EU) hiện nay đang rơi vào tình thế khó xử khi một mặt chịu áp lực từ Mỹ để loại bỏ hoàn toàn Kế hoạch Hành động chung toàn diện, mặt khác lại bị Iran thúc ép. EU phụ thuộc vào quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời lại có những lợi ích kinh tế khi duy trì hợp đồng thương mại với Iran, không thể đóng vai trò “cầu nối trung lập” để tháo gỡ căng thẳng giữa Iran và Mỹ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>