Iran chuyển “thù thành bạn”

23/09/2020 | 17:24 GMT+7

Sức ép từ các lệnh trừng phạt và nguy cơ xảy ra chiến tranh với Mỹ đã làm cho Iran xích lại gần với Syria và Iraq.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: LOBELOG

Theo đó, kể từ tháng 6-2000, sau khi Hafez al-Assad qua đời, người con trai trẻ Bashar al-Assad của ông trở thành Tổng thống Syria, liên minh chính trị giữa Iran và Syria ngày một thắt chặt và mang tính chiến lược hơn. Thực chất của liên minh này trên danh nghĩa là liên minh bộ 3 Syria - Iran - Hezbollah. Liên minh ba bên đã giúp Tehran thiết lập một “hành lang kháng chiến” chống lại Mỹ và Israel, bao gồm Iran, Iraq, Syria và Lebanon kéo dài khoảng 1.500 dặm.

Những người theo đường lối cứng rắn kiểm soát chính sách đối ngoại của Iran tin rằng, việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad “là một trách nhiệm đạo đức cũng như là một đòi hỏi an ninh quốc gia”. Tehran xem đây là “mắt xích vàng” của dây chuyền kháng chiến chống Israel và Mỹ cần được bảo vệ. Đặc biệt, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei luôn sẵn sàng bảo vệ Hezbollah và rộng rãi hơn là Syria. Ông tin rằng nếu al-Assad bị lật đổ, điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi chế độ ở Iran. Nếu một phần của liên minh Syria - Iran - Hezbollah bị suy yếu hay bị tiêu diệt, hai phần ba còn lại sẽ hứng chịu hậu quả.

Mặt khác, thời gian gần đây quan hệ giữa Iran và Iraq cũng có bước cải thiện đáng kể theo hướng “thêm bạn bớt thù”. Ông Esfandyar Batmanghelidj làm việc tại trang tin Bourse & Bazaar cho biết dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, Iran và Iraq không có quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, thương mại thông thương được khởi động. Ông Esfandyar Batmanghelidj đánh giá: “Đó là việc bình thường khi hai quốc gia có chung biên giới trao đổi thương mại”.

Khi bước vào giai đoạn tái thiết, nguyên vật liệu xây dựng giá rẻ từ Iran là một lựa chọn thu hút. Sau đó, giao dịch thương mại giữa Iran - Iraq được mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm, ô tô, thuốc và hiện nay là cả điện. Từ quả mơ cho tới thuốc giảm đau, nhiều sản phẩm Iran được bán khắp Iraq với giá thành rẻ hơn sản phẩm nội địa.

Theo Phòng Thương mại Iran, trong giai đoạn từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020, có tới 9 tỉ USD hàng hóa không phải dầu mỏ của Iran xuất khẩu đến Iraq. Tháng 7 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam kết tăng gấp đôi con số này. Trước tình trạng chịu áp lực bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ từ 2018, Iran đang dựa vào Iraq nhiều hơn về kinh tế.

Có thể khẳng định, bốn thập niên qua sau khi Iran và Iraq xảy ra chiến tranh, Tehran đã tạo dựng biến chuyển, trở thành đối tác kinh doanh thương mại hàng đầu của Baghdad, thay đổi quan hệ từ thù sang bạn. Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời giáo sư Aziz Jaber tại Đại học Mustansariyah bình luận: “Ở thời điểm chiến tranh, thật khó để tưởng tượng rằng điều này có thể xảy ra”.

Sở dĩ giáo sư Aziz Jaber có nhận định trên bởi lẽ giai đoạn 1980-1988, Iran và Iraq từng xảy ra chiến tranh đẫm máu, với trên 500.000 người chết. Trong cuộc chiến này, Iran trở thành lựa chọn mới cho nhiều nhóm phản đối cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, bao gồm các nhân vật người Kurd cho tới Hội đồng Tối cao Cách mạng Hồi giáo tại Iraq và nhánh quân sự Lữ đoàn Badr vốn đều thành lập tại Iran năm 1982. Tehran đã duy trì mối quan hệ với nhóm chống đối ông Saddam Hussein cho đến khi Mỹ đưa quân đến Iraq năm 2003. Điều này đồng nghĩa với việc Iran có mối quan hệ lâu dài và thân thiết đối với nhóm kế nhiệm ông Saddam Hussein hơn cả Mỹ.

Mặt khác, trong 6 vị Thủ tướng Iraq giữ chức vụ kể từ thời điểm hậu chiến, có tới 3 người từng sống tại Iran trong thập niên 80 của thế kỷ trước, bao gồm các ông Ibrahim al-Jaafari, Nuri al-Maliki và Adel Abdel Mahdi. Nhiều thành viên Lữ đoàn Badr vẫn giữ vị trí cấp cao trong lực lượng an ninh Iraq.

Trong một động thái liên quan, hiện Mỹ đã điều một tàu sân bay tiến vào vùng Vịnh trong bối cảnh Washington đe dọa sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Iran như trước khi ký thỏa thuận hạt nhân với nước này hồi năm 2015 bất chấp sự phản đối của các đối tác trong Hội đồng Bảo an LHQ. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran sẽ nổ ra bất cứ lúc nào. Do đó, việc tranh thủ mở rộng quan hệ với các nước lân cận và gia tăng kêu gọi LHQ, Liên minh châu Âu và các quốc gia liên quan ủng hộ để đối phó Mỹ là việc làm cần thiết của Iran hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>