Hồng Kông rối ren vì biểu tình

13/08/2019 | 06:50 GMT+7

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã khởi động cuộc biểu tình kéo dài 3 ngày tại sân bay Hồng Kông với hy vọng có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế từ những hành khách đặt chân đến đặc khu này.

Cảnh sát Hồng Kông bắn đạn hơi cay ngày 11-8. Ảnh: REUTERS

Hàng trăm người biểu tình, hầu hết mặc áo đen, bắt đầu tụ tập tại khu vực ga đến của sân bay quốc tế Chek Lap Kok từ chiều 9-8 (giờ địa phương) trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã bước sang tháng thứ 3. Những người này đã phát tờ rơi phản đối chính quyền viết bằng 16 thứ tiếng cho hành khách. Những người biểu tình muốn nhắc lại 5 yêu sách, gồm rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, rút lại việc xem phong trào biểu tình là bạo loạn, xóa các cáo buộc chống lại người biểu tình, mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, quyền bỏ phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử chọn trưởng đặc khu và cơ quan lập pháp vào năm 2020.

Đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Hôm 10-8, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông và bắt giữ 16 người trong cuộc biểu tình chống chính quyền với các cáo buộc tụ tập trái phép và sở hữu vũ khí. Dù vậy, hàng ngàn người vẫn tập trung tại công viên Victoria hôm 11-8, kêu gọi giới chức “lắng nghe các yêu cầu của công chúng”, đặc biệt là tiến hành điều tra độc lập về cách chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay và những vụ cảnh sát “dùng vũ lực quá mức” đối với người biểu tình.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bùng phát từ ngày 9-6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, trong đó có Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố dự luật này “đã chết”, nhưng người biểu tình khẳng định sẽ tiếp tục hành động tới khi bà Lam từ chức và dự luật bị hủy hoàn toàn.

Biểu tình leo thang ở Hồng Kông khiến giới chức Trung Quốc lo lắng. Bắc Kinh ngày 8-8 tuyên bố nếu cuộc khủng hoảng biểu tình vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền đặc khu, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Ngoài ra Trung Quốc cũng cáo buộc nước ngoài đã can thiệp vào vấn đề Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10-8, phản ứng quyết liệt sau khi Ngoại trưởng Anh điện đàm với trưởng đặc khu Hồng Kông: “Trung Quốc nghiêm túc yêu cầu Anh ngay lập tức dừng mọi hành động can thiệp vào vấn đề Hồng Kông cũng như công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không can thiệp công việc nội bộ sau khi xuất hiện một số thông tin về cuộc gặp của các nhà ngoại giao Mỹ tại Hồng Kông với những nhà hoạt động dân chủ của đặc khu. Bắc Kinh kêu gọi Washington “lập tức cắt đứt quan hệ với những kẻ bạo loạn chống Trung Quốc” và “ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông”.

Ông Trương Hiểu Minh - người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau cho rằng biểu tình ở Hồng Kông trong 2 tháng gần đây mang biểu hiện rõ rệt của một cuộc “cách mạng màu”, thuật ngữ được dùng để chỉ phong trào nổi dậy ở Đông Âu vào những năm 2000, và cuộc khủng hoảng không thể được giải quyết bằng cách nhượng bộ trước yêu sách của người biểu tình.

Chưa biết các cuộc biểu tình dẫn đến đâu, nhưng nền kinh tế Hồng Kông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với mức tăng trưởng giảm từ 4,6% còn 0,6% trong quý đầu, đây là kết quả tệ nhất trong vòng một thập kỷ. Dữ liệu cho thấy quý II không khá hơn, trong khi chính quyền vẫn hy vọng tăng trưởng 2-3% trong năm nay, các ngân hàng lớn bi quan hơn.

Martin Rasmussen, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Công ty tư vấn nghiên cứu Capital Economics, dự đoán khủng hoảng sẽ gây hậu quả nặng nề. “Ban đầu biểu tình có vẻ khá ôn hòa, bạn có thể so sánh nó với phong trào 2014”, ông nói. “Nhưng giờ biểu tình cực đoan hơn, vì vậy chúng tôi cho rằng nó bắt đầu gây hậu quả tới nền kinh tế”.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>