Tổng thống Venezuela và những thách thức phía trước

22/05/2018 | 08:23 GMT+7

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 20-5, tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này trong nhiệm kỳ 6 năm tới.

Ông Nicolas Maduro cùng người ủng hộ ăn mừng thắng lợi tại thủ đô Caracas. Ảnh: REUTERS

Ông Maduro đã giành được trên 5,8 triệu phiếu ủng hộ, tương ứng 67,7% số phiếu. Đứng ở vị trí thứ hai là ứng cử viên đối lập Henri Falcon với 1,8 triệu phiếu ủng hộ. Số người tham gia bỏ phiếu đạt 46%, một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung trong khu vực do việc đi bỏ phiếu là không bắt buộc

Tổng thống Maduro cho biết, ông sẽ kêu gọi các bên tham gia vào một cuộc đối thoại toàn quốc để tìm kiếm một thỏa thuận khôi phục kinh tế, tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế đất nước. Tổng thống Maduro nhấn mạnh, chính phủ sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến, tiếp thu những đề xuất trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của đất nước.

Cuộc bầu cử tại Venezuela diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Venezuela cũng phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài khi Mỹ liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và tổ chức của quốc gia Nam Mỹ này.

Một số nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã gọi cuộc bầu cử này là “giả tạo” và nói rằng họ sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông đã theo dõi rất sát cuộc bầu cử này. “Một cuộc bầu cử giả tạo như vậy sẽ không thay đổi được điều gì. Chúng tôi mong người dân Venezuela hãy thực sự điều hành đất nước mình”, ông Pompeo viết trên trang Twitter cá nhân của mình.

Với chiến thắng này, ông Maduro, người đã nắm quyền từ năm 2013 tới nay, sẽ tiếp tục lãnh đạo Venezuela thêm 6 năm nữa. Phe đối lập Venezuela đã tẩy chay cuộc bầu cử này trước khi nó được tổ chức, và trong bối cảnh đó, ông Maduro cho biết kết quả bầu cử sẽ được giữ nguyên.

Trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn, ông Maduro cho biết Venezuela sẽ bước vào một “giai đoạn mới” và sẽ đấu tranh chống lại “các băng đảng tội phạm” để tái phát triển kinh tế. Ông cũng nói rằng: “Nếu chính phủ Mỹ có mong muốn đối thoại trong tương lai, tôi sẽ luôn cởi mở chấp nhận”.

Venezuela trong thời gian gần đây đã trải qua rất nhiều vấn đề về chính trị và kinh tế, trong đó bao gồm tình trạng thiếu thức ăn và thuốc men cũng như lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát. Một người dân cho biết: “Mọi thứ đều bất thường. Số tiền ít ỏi mà chúng tôi kiếm được không đủ để mua nửa tá trứng. Tôi muốn thấy sự thay đổi nào đó bởi cứ đà này đất nước sẽ không đi đến đâu cả”.

Ông Maduro đã làm Tổng thống Venezuela kể từ khi người tiền nhiệm là ông Hugo Chavez qua đời vào năm 2013. Dưới thời của ông Chavez, Venezuela trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội và nhiều người dân coi ông là một anh hùng. Trước khi qua đời, ông Chavez đã chọn ông Maduro là người kế nhiệm, điều này cũng giúp ông Maduro dẫn đầu trong cuộc bầu cử năm 2013. Sau khi lên nắm quyền, ông Maduro đã tiếp tục các chính sách mà ông Chavez từng thực hiện, ví dụ như các chương trình phúc lợi xã hội và kiểm soát giá cả đối với phần lớn mặt hàng hiện có, trong đó có lương thực.

Venezuela từng là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất trên thế giới, điều này đã giúp chính phủ nước này có nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm mạnh đã khiến nền kinh tế nước này sụp đổ vào năm 2016, và hiện Venezuela đang lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng tỷ lệ lạm phát ở Venezuela sẽ lên đến 13.000% trong năm 2018. Theo ước tính của Tổ chức Di trú Quốc tế, đã có khoảng 1,6 triệu người rời khỏi Venezuela từ năm 2015 đến 2017 do tình hình trong nước ngày càng trở nên xấu đi.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>