EU dọa trả đũa Trung Quốc

01/07/2020 | 19:03 GMT+7

Tiếp sau Mỹ, Ấn Độ, gần đây Trung Quốc lại gây mất lòng với Liên minh châu Âu (EU) khiến Brussels tuyên bố sẽ trả đũa Bắc Kinh.

Ảnh minh họa

Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành chính sách kinh tế của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư mới giữa EU và Trung Quốc đã bước vào “giai đoạn trọng yếu” vì sự không khoan nhượng của Bắc Kinh. Theo đó, Brussels đang chuẩn bị công bố các biện pháp giới hạn đối với vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, nếu Bắc Kinh không tán thành các yêu cầu của liên minh về quyền tiếp cận thị trường. Trả lời cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times, ông Dombrovskis cho rằng: “Chúng tôi cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, việc trợ cấp và chuyển giao công nghệ bắt buộc”. Quan chức này cáo buộc hiện tồn tại sự bất công bằng trong việc tiếp cận thị trường và Bắc Kinh cần giải quyết một loạt vấn đề hệ thống trước khi hai bên có thể ký kết một hiệp định đầu tư.

Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán EU - Trung Quốc dự kiến hoàn tất vào tháng 9 năm ngoái, đúng vào lúc diễn ra hội nghị song phương. Song, điều này đã không xảy ra và quá trình đàm phán cũng bị trì hoãn do nhiều bất đồng từ hai phía.

Cuối tuần trước, thành viên cấp cao EC phụ trách chính sách thương mại Sanbine Weyand, cho biết bà hy vọng được chứng kiến “một chút rõ ràng” về tình trạng của thỏa thuận này trước cuối tháng 7. Bà Sanbine Weyand đưa ra bình luận trên sau Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc được tổ chức trực tuyến hồi tuần trước. Hội nghị có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell. Bên phía Trung Quốc có Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhiều quan chức khác. Tuy nhiên, hội nghị không đạt được kết quả và không đưa ra được tuyên bố chung. Tờ Finance Times miêu tả hội nghị này vô cùng “ảm đạm”.

Suốt hơn một nửa thập kỷ qua, Trung Quốc và EU đã tìm cách thúc đẩy một “thỏa thuận đầu tư toàn diện” nhằm tạo ra các cơ hội đầu tư mới cho các công ty châu Âu tại đại lục. Theo Sputnik, các đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu đã giảm từ mức gần 100 tỉ USD hai năm trước đó xuống chỉ còn 19 tỉ USD vào năm 2019. Sự sụt giảm được tin là do việc kiểm soát vốn của Trung Quốc chặt chẽ hơn, thanh khoản thấp hơn và căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và khối đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã cố gắng tăng cường kiểm soát cơ sở hạ tầng châu Âu, ngay cả khi các nước tăng biện pháp hạn chế nhằm giảm quyền sở hữu của Trung Quốc với chúng.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Mỹ đã kêu gọi EU ngừng sử dụng các thiết bị giám sát do Công ty Nuctech của Trung Quốc sản xuất. Hội đồng An ninh Mỹ và một số cơ quan đang nỗ lực kêu gọi chính phủ các nước châu Âu “loại bỏ” sự hiện diện của Nuctech, một công ty chuyên sản xuất các hệ thống máy quét sàng lọc để kiểm tra hàng hóa, hành lý và hành khách tại các cảng biển, sân bay và các trạm kiểm soát biên giới trên toàn châu Âu. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tháng trước, các thiết bị sàng lọc của Công ty Nuctech có thể chuyển dữ liệu cá nhân và thông tin thương mại tại các nước cho Trung Quốc. Báo cáo nhấn mạnh, công ty này tạo ra nguy cơ đối với sự an toàn của công dân và việc vận chuyển hàng hóa quân sự giữa các nước thành viên NATO với nhau. Ngoài ra, công ty này hiện đang mở rộng sản xuất tại hơn 10 quốc gia châu Âu, gây gia tăng lo ngại về việc rò rỉ thông tin an ninh.

Trước đó, EU đã lên kế hoạch thiết lập một cuộc đối thoại song phương với Mỹ nhằm bàn cách đối phó với “sự quả quyết ngày càng tăng” của Trung Quốc. Cao ủy EU về đối ngoại Josep Borrell cho biết: “Tôi đã đề xuất xúc tiến một cuộc đối thoại song phương riêng biệt, tập trung vào Trung Quốc và các thách thức mà hành động và tham vọng của nước này tạo ra cho chúng tôi - Mỹ và EU”.

Nếu việc này diễn ra theo kế hoạch thì Trung Quốc sẽ gặp thêm khó khăn trong đối ngoại. Bởi lẽ, trước đó Bắc Kinh đã tạo mâu thuẫn lớn khó dung hòa với Mỹ, tiếp sau là đụng độ tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Gần đây, các nước trong Cộng đồng ASEAN lại lên tiếng phản đối Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia liên quan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều nước trên thế giới sẽ cùng đối phó với Bắc Kinh vì lợi ích quốc gia. Đây là những tác nhân trực tiếp khiến Trung Quốc ngày càng mất uy tín và lợi thế trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích