Đức rơi vào khủng hoảng

21/11/2017 | 08:39 GMT+7

Nỗ lực lập chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp trở ngại lớn sau khi một đối tác tiềm tàng rút khỏi đàm phán, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị.

Bà Angela Merkel đến dự đàm phán về lap chính phủ mới hôm 19-11. Ảnh: REUTERS

Bà Merkel hôm 20-11 cho biết sẽ thông báo với tổng thống rằng mình không thể lập chính phủ liên hiệp sau khi Đảng Dân chủ Tự do (FDP) có động thái nói trên. “Là Thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm đất nước được điều hành tốt trong những tuần lễ khó khăn sắp tới”, bà Merkel trấn an người dân sau khi đàm phán đổ vỡ.

Ông Wolfgang Kubicki, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (FDP), xác nhận các đảng vẫn còn bất đồng về các vấn đề then chốt như chính sách nhập cư, chống biến đổi khí hậu, tài chính và an ninh nội địa. Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) muốn siết chặt chính sách tị nạn sau khi cử tri trừng phạt quyết định của bà Merkel về việc tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư kể từ năm 2015. Cho dù CDU/CSU giành chiến thắng liên đảng cầm quyền này đã nhận được số phiếu bầu thấp nhất kể từ năm 1949 trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 9 vừa qua. Còn các đồng minh trong Đảng CSU của bà Merkel thậm chí kêu gọi hạn chế số người nhập cư, ngược lại với quan điểm của Đảng Xanh, vốn muốn giảm hạn chế đối với các chương trình đoàn tụ gia đình của những người tị nạn.

Ông Wolfgang Kubicki kêu gọi Đảng Xanh có lập trường mềm mỏng hơn, nhưng đảng này dường như sẽ không thỏa hiệp. Trong khi đó, các đề nghị của Đảng Xanh về hạn chế các loại xe động cơ diesel gây ô nhiễm và đóng cửa 20 nhà máy điện chạy bằng than đá của nước này lại vấp phải sự phản đối từ CDU/CSU và FDP vì các đảng này lo ngại sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm và phá hoại ngành năng lượng và ô tô hùng mạnh của Đức.

Diễn biến trên khiến nước Đức đối mặt 2 lựa chọn chưa từng có thời hậu Thế chiến II: Bà Merkel lập chính phủ thiểu số với Đảng Xanh hoặc Tổng thống Đức kêu gọi bầu cử mới sau khi các đảng không lập được chính phủ.

Đảng của bà Merkel trở nên suy yếu sau khi số ghế tại Hạ viện sụt giảm trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9, một phần vì quyết định mở cửa biên giới đón hơn 1 triệu người xin tị nạn năm 2015.

Ngay trước bầu cử, đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã từ chối bắt tay với đảng của bà Merkel để lập chính phủ đại liên hiệp như từng làm trước đó. SPD hiện là đảng lớn thứ 2 tại Quốc hội. Trong khi đó, bà Merkel không chịu liên minh với đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng lớn thứ 3 tại Quốc hội, khiến lựa chọn của bà ngay từ đầu đã khoanh vùng với Đảng FDP và Đảng Xanh.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, bà Merkel tiếp tục được bầu làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư. Ngay tại thời điểm đó, các nhà phân tích đã dự đoán bà Merkel sẽ có một nhiệm kỳ khó khăn bởi việc đảng của bà chỉ giành được 32,5% phiếu bầu. CDU/CSU cần liên minh để có thể tập hợp được số ghế tối thiểu để thành lập chính phủ mới. Cuộc bầu cử hồi tháng 9 cũng đánh dấu sự nổi lên của Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD). Đây là đảng cực hữu đầu tiên bước chân vào Quốc hội Đức sau hơn một nửa thế kỷ. AfD đi theo đường lối chống nhập cư, phản đối hội nhập châu Âu và đề cao quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Với 13% số phiếu bầu, AfD có thể là thách thức lớn cho bà Merkel, nhất là khi không chính phủ liên minh nào được thành lập. Vì vậy, chính trường Đức hiện nay không muốn tổ chức bầu cử lại, nhất là các đảng lớn lo ngại rằng AfD sẽ giành nhiều hơn số phiếu 13% mà đảng này đạt được trong cuộc bầu cử tháng 9.

Việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể lập chính phủ mới có thể tác động tiêu cực đến một loạt vấn đề, từ cải cách khu vực đồng euro, chính sách của Liên minh châu Âu đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nước, đã xuất hiện cảnh báo tình trạng không chắc chắn kéo dài sẽ có hại cho nền kinh tế.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>