Điểm nóng Kashmir

11/08/2019 | 11:56 GMT+7

Chính phủ Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang. Đây là quyết định chính trị có ảnh hưởng tới khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua.

Bước đi mới nhất của Ấn Độ là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh; Jammu và Kashmir. Ủy ban Bầu cử Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch cho các cuộc bầu cử tại Kashmir vào cuối năm nay. Theo quy chế mới, phần Kashmir thuộc Ấn Độ sẽ có 1 nghị viện do dân bầu, nhưng sẽ chịu sự kiểm soát của chính phủ liên bang ở New Delhi. Quyền có hiến pháp riêng ở Kashmir cũng bị xóa bỏ, quyền ra các quyết sách bị hạn chế và người dân ngoài bang sẽ được phép mua nhà đất, đến định cư tại Kashmir.

Mặc dù Ấn Độ cho rằng việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây, song Pakistan đã kêu gọi quốc tế can thiệp, đồng thời thông qua một nghị quyết chỉ trích hành động đơn phương của New Delhi. Pakistan đã đình chỉ tuyến tàu cao tốc Thar Express nối thành phố cảng Karachi của nước này với thị trấn Manubao của Ấn Độ. Trước đó, Pakistan đã đóng một hành lang hàng không trong không phận của mình. Các chuyến bay quốc tế sẽ phải chuyển hướng sang đường bay khác do việc đóng cửa này.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng hối thúc hai bên cần hết sức kiềm chế.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa hai nước, hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế. “Liên Hiệp Quốc đang theo dõi diễn biến với lo ngại đặc biệt về căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi cũng biết về các giới hạn từ phía Ấn Độ tại Kashmir và hối thúc các bên kiềm chế. Các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc cũng nhận thấy các hoạt động quân sự tăng cường dọc đường biên giới”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cho biết đang theo dõi diễn biến chặt chẽ, hối thúc các bên cần kiềm chế, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực dọc đường kiểm soát biên giới. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Alice Wells sẽ tới Ấn Độ và Pakistan, có các cuộc tiếp xúc với quan chức chính phủ cấp cao hai nước trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới bang Jammu và Kashmir.

Anh cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về bất đồng mới nảy sinh giữa Ấn Độ và Pakistan. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ông đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, nắm rõ được tình hình từ quan điểm của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi các bên cần giữ bình tĩnh để giải quyết mâu thuẫn.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc hết sức quan ngại về tình hình bất ổn leo thang tại khu vực Kashmir thời gian gần đây; cho rằng, vấn đề này cần được giải quyết ổn thỏa thông qua các biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Hiệp định song phương. Ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ Pakistan bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, tiếp tục “duy trì lẽ phải” cho Pakistan trên trường quốc tế; đồng thời kêu gọi Pakistan và Ấn Độ xử lý ổn thỏa các vấn đề lịch sử để lại, tránh những hành động đơn phương, tìm kiếm con đường mới hướng tới chung sống hòa bình.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>