Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Chờ đến giờ G

15/05/2018 | 08:13 GMT+7

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được hai bên “chốt” vào ngày 12-6 tới và sẽ diễn ra tại Singapore.

Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có những động thái hết sức cởi mở nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp mặt lịch sử sắp tới. Theo đó, tuần trước Nhà Trắng đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Triều Tiên, nơi ông đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ngày 12-6 giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un. Theo ông Pompeo, ông đã có cuộc thảo luận thực chất và tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm bí mật Bình Nhưỡng vừa qua. “Sẽ có các doanh nghiệp tư nhân Mỹ, không dùng tiền của người nộp thuế Mỹ, đến Triều Tiên giúp xây dựng mạng lưới điện. Ở Triều Tiên họ cần một lượng điện khổng lồ. Mỹ cũng sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng của Triều Tiên, giải quyết nhu cầu cơ bản của người Triều Tiên để “họ ăn cơm có thịt và có cuộc sống lành mạnh… Đó là những thứ mà họ sẽ có được nếu họ thực hiện những yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, ông Pompeo nói, vẽ nên một bức tranh chi tiết về những nhượng bộ có thể của Mỹ với Triều Tiên. Ông Pompeo cũng hé lộ rằng Mỹ không tìm cách lật đổ chế độ Triều Tiên và có thể đảm bảo để ông Kim Jong-un nắm quyền lâu dài sau bất kỳ thỏa thuận nào.

Tổng thống Donald Trump ra đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do ở sân bay Joint Base Andrews tại bang Maryland hôm 10-5. Ảnh: REUTERS

Còn Triều Tiên mới đây cũng  tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình phá hủy điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trong vòng 2 tuần tới trước sự chứng kiến của các nhà báo nước ngoài. Theo tin từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng sẽ sử dụng “các biện pháp kỹ thuật” để thực hiện quá trình phá hủy địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri diễn ra trong quãng thời gian từ ngày 23 đến 25-5, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Quá trình này sẽ bao gồm đánh sập toàn bộ đường hầm bằng thuốc nổ, gỡ bỏ mọi trang thiết bị giám sát cũng như phá hủy các cơ sở nghiên cứu và an ninh. Tọa lạc tại khu vực đồi núi phía Đông Bắc, Punggye-ri được cho là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên. Kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử nghiệm hạt nhân tại hệ thống đường hầm dưới núi Mantap, gần cơ sở hạt nhân Punggye-ri.

Triều Tiên khẳng định các nhà báo đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nga sẽ được mời đến để “đưa tin trực tiếp” quá trình phá bỏ bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri nhằm thể hiện sự minh bạch.

Nhiều chuyên gia nhận định: Nếu thắng lợi về vấn đề Triều Tiên - điều mà Mỹ chưa làm được trong nhiều thế hệ qua - có thể giúp tăng tỷ lệ ủng hộ ông Trump, làm lu mờ các cuộc điều tra xoay quanh ông chủ Nhà Trắng về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, đồng thời giúp Đảng Cộng hòa giành lợi thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo không phải lần đánh cược nào của ông Trump cũng thành công. Ngược lại, việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, áp thuế nhập khẩu đối với các đồng minh, thông báo chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem... đều tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng. Chuyên gia Sung-yoon Lee cảnh báo: “Triều Tiên có thể cố kéo dài quá trình đàm phán, không nỗ lực hướng đến giải pháp cuối cùng và phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Song song đó, Triều Tiên sẽ đe dọa từ bỏ thương lượng và biến Mỹ trở thành bên đàm phán không quan tâm đến hòa bình và hòa giải thật sự. Ngược lại, rất khó để Mỹ chịu nhượng bộ và nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>