Câu chuyện khủng hoảng thịt heo ở Trung Quốc

22/12/2019 | 12:38 GMT+7

Nhà phân tích Brett Stuart, Chủ tịch Công ty tư vấn Global AgriTrends (Mỹ) đã đưa ra nhận định: Bắc Kinh có thể mất 10 năm để khôi phục đàn heo sau đại dịch dịch tả heo châu Phi. Dự báo năm tới Trung Quốc sẽ tăng mua heo thế giới lên đến 3,2 triệu tấn.

Heo chết vì dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chính phủ Trung Quốc thông báo chính thức có 200 ổ dịch tả heo châu Phi và Trung Quốc bị thiệt hại 40% tổng đàn.

Song ông Brett Stuart ước tính tỷ lệ heo nhiễm bệnh ở Trung Quốc phải lên đến mức 50%, tức hơn 220 triệu con. Ông nhấn mạnh: “Điều này đồng nghĩa hơn 1/4 đàn heo thế giới biến mất, thậm chí tỷ lệ lên đến 1/3”.

Hiện nay tình hình dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc gần như không giảm. Do thịt heo khan hiếm nên giá heo tăng vọt khiến dân tình khốn đốn.

“Khi giá heo cao, mọi người ở Trung Quốc mở rộng diện tích chăn nuôi nên vi-rút có điều kiện lây lan, vì vậy họ đang mạo hiểm. Chính phủ Trung Quốc nói phải đợi 6 tháng nữa mới có thể khôi phục đàn heo. Nhưng với mức lãi 300 USD/con, ai cũng muốn nuôi ngay khiến dịch bệnh càng tệ hơn. Từ tháng 1-2019, tổn thất có thể đã lên tới 65% tổng đàn heo Trung Quốc”, nhà phân tích Brett Stuart ghi nhận.

Điều tệ hại như truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin bọn tội phạm đang lợi dụng cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi (ASF) ở Trung Quốc để thu lợi. Chúng cố ý làm lây lan dịch bệnh để buộc nông dân bán heo với giá rẻ hơn.

Theo một cuộc điều tra của tạp chí China Comment thuộc hãng thông tấn Tân Hoa xã, các nhóm tội phạm đã tìm cách lan truyền tin đồn thất thiệt về ASF để buộc nông dân bán heo với giá rẻ. Có trường hợp chúng đặt những con heo chết bên lề đường để khiến nông dân tin rằng dịch bệnh đang lây lan nghiêm trọng.

Trong một số vụ tàn ác hơn, bọn tội phạm bỏ thức ăn nhiễm dịch tả heo châu Phi vào chuồng heo của nông dân. Chúng thậm chí sử dụng máy bay không người lái (UAV) để thả những đồ vật nhiễm ASF xuống các trang trại.

Một khi mua được những con heo với giá rẻ, bọn tội phạm sẽ tìm cách đưa heo sống hoặc thịt heo tới các vùng có giá thịt cao và bán lại, dù đã có lệnh cấm vận chuyển thịt heo hay gia súc giữa các tỉnh để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chỉ riêng tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, lực lượng chức năng đã ngăn chặn các vụ vận chuyển heo sang các tỉnh khác với số lượng lên tới 10.000 con heo sống. Trong đó, một số con heo đã bị nhiễm vi-rút ASF.

Công an tin rằng một băng nhóm đã tuồn tới 4.000 con heo khỏi tỉnh Vân Nam trong một ngày. Theo báo cáo, những kẻ phạm tội thường hối lộ các quan chức và sử dụng giấy tờ giả để đưa heo tới khắp các tỉnh của Trung Quốc.

Thịt heo chiếm 60% lượng thịt tiêu thụ ở Trung Quốc. Theo số liệu của Tổ chức Lương - Nông LHQ, Trung Quốc sản xuất mỗi năm 55 triệu tấn thịt heo, song năm 2020 sẽ chỉ còn 32 triệu tấn.

Tuy nhiên, mức xuất khẩu thế giới năm 2018 chỉ đạt 8,7 triệu tấn. Như vậy trong ngắn hạn, thế giới khó có thể đáp ứng nhu cầu to lớn của Trung Quốc.

Nhà phân tích Brett Stuart tính toán rằng ngay cả trong thời gian dài hạn, Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu heo thế giới. Ông nhận xét: “Cứ cho rằng chúng ta tìm thấy vắc-xin dịch tả heo châu Phi và trong 10 năm nữa Trung Quốc sẽ tái đàn 70%. Kịch bản này rất lạc quan nhưng 30% còn lại tức bằng 16 triệu tấn heo nhập khẩu, tương đương gấp đôi mức xuất khẩu hiện nay của thế giới.

Ông đánh giá đến năm 2020, Trung Quốc sẽ gia tăng mua heo trên thị trường thế giới từ 2,1 lên 3,2 triệu tấn. Ngoài ra nước này cũng sẽ nhập khẩu 12 tỉ USD thịt bò để bù đắp mức còn thiếu.

Trong ngắn hạn, ông cho rằng mức tiêu thụ thịt gà sẽ không tăng vì thịt gà được coi là “thịt của người nghèo”, tuy nhiên thịt gà sẽ bắt đầu tăng trưởng từ năm 2021.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>