Bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng

06/08/2019 | 17:14 GMT+7

Ngay sau khi cuộc tập trận chung Mỹ và Hàn Quốc diễn ra, Triều Tiên đã có động thái đáp trả nguy hiểm làm nhiều người quan tâm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên giám sát vụ thử tên lửa. Ảnh: Daily Star

Ngày 5-8, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc diễn tập lần này có Bộ tham mưu hỗn hợp và lục quân, hải quân, không quân của Hàn Quốc. Phía Mỹ có Bộ tư lệnh liên quân Mỹ - Hàn, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và Bộ tư lệnh quân đội Thái Bình Dương sẽ tham gia tập trận. Nửa phần đầu của cuộc tập trận, dựa trên giả định có chiến tranh xảy ra, quân đội hai bên sẽ hợp đồng tác chiến trong tình hình nguy hiểm. Nửa phần sau của cuộc tập trận, quân đội Hàn Quốc sẽ kiểm nghiệm năng lực chỉ huy của quân đội trong điều kiện tác chiến.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết, cuộc diễn tập sẽ tập trung vào việc kiểm chứng năng lực tác chiến ban đầu (IOC), cũng như đánh giá khả năng đảm nhận quyền chỉ huy tác chiến thời chiến của quân đội Hàn Quốc để tiến hành chuyển giao quyền này từ Mỹ.

Hiện tại, trong quy ước về quyền tác chiến trong trường hợp Hàn Quốc có chiến sự xảy ra, quân đội Mỹ cũng có quyền tham gia. Theo đó, quân đội Mỹ mong muốn sẽ đánh giá lại năng lực chỉ huy của quân đội Hàn Quốc nhân cuộc diễn tập lần này.

Ngay sau khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn diễn ra, sáng ngày 6-8, Triều Tiên đã bắn các vật thể chưa xác định vào vùng biển phía Đông nước này, tức biển Nhật Bản. Như vậy liên tiếp trong các ngày 25-7, 31-7 và 2-8, Bình Nhưỡng đã bắn thử các vật thể tầm ngắn ra biển Nhật Bản. Trước đó, hồi tháng 5, Bình Nhưỡng đã bắn một loạt vật thể, được xem là liên quan tới các tên lửa tầm ngắn.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố nhấn mạnh, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là tác nhân buộc Triều Tiên phải phát triển, thử nghiệm và triển khai các công cụ sức mạnh cần thiết cho việc bảo vệ đất nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng nói rằng Bình Nhưỡng vẫn cam kết đối thoại, nhưng nước này có thể tìm kiếm một “con đường mới” nếu Mỹ và Hàn Quốc không thay đổi lập trường của mình.

Hãng tin KCNA mới đây dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, nước này chưa bao giờ ký thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào để hạn chế phạm vi tên lửa và các loại vũ khí khác mà họ thử nghiệm, cũng như không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu pháp lý nào. Việc Triều Tiên đơn phương quyết định đình chỉ các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và liên lục địa là dựa trên thiện chí và cân nhắc “quyền lực ngoại giao”.

Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Mỹ và Hàn Quốc đã giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn để tạo không gian cho đối thoại. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hạt nhân đã lâm vào bế tắc kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 hồi cuối tháng 2-2019, với việc hai bên không thể ra một tuyên bố chung như kỳ vọng.

Tiếp sau đó là Hội nghị thượng đỉnh “đầy ngẫu hứng” hôm 30-6 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại biên giới liên Triều. Các nhà lãnh đạo khi đó đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân ở cấp độ chuyên viên bị đình trệ kể từ tháng 2, song kể từ đó đến nay không có bất kỳ cuộc họp nào được biết đến giữa hai bên. Điều này đồng nghĩa tiến trình đàm phán Mỹ - Triều tiếp tục rơi vào bế tắc. Do vậy, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vô hình trung trở thành vật cản của tiến trình đàm phán hòa bình Mỹ - Triều vốn dĩ rất mong manh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>