Về đất lửa

28/04/2017 | 07:06 GMT+7

Chị Đặng Thùy Trâm hy sinh để lại 2 quyển nhật ký chứa đầy thông điệp. Tại “căn cứ” của chị, khi sĩ quan quân báo Mỹ đang lọc lựa tài liệu quân sự quan trọng, số còn lại sẽ đốt (có 2 quyển nhật ký) thì viên thông dịch cầm một cuốn sổ nhỏ lại nói: “Đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi !”.

Một góc xã Vĩnh Viễn hôm nay. Ảnh: LÝ ANH LAM

Nhắc đến lửa thời chống Mỹ, đâu đâu trên đất nước Việt Nam này cũng có. Lửa yêu nước, lửa căm thù, lửa xung phong giết giặc giải phóng quê hương. Ở Hậu Giang càng không thiếu lửa…

Chở che, đùm bọc bộ đội

Vùng đất anh hùng Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), Phương Bình (huyện Phụng Hiệp) đỏ lửa từ những ngày đầu chống Mỹ. Dù giặc có băm nát quê nghèo bằng bom đạn mấy đi nữa nhưng khi ngớt càn phá thì sự sống lại vùng lên, người người đánh giặc, nhà nhà đánh giặc. Họ đánh bằng họng súng, lưỡi lê, đánh bằng chén cơm, mớ rau, rổ cá…

Ông Hai Trụ (Lê Văn Trụ), ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, nay đã 84 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in thời nuôi chứa bộ đội từ năm 1965-1970. Trước cửa, bên hông, sau hè nhà đều có hầm cho bộ đội ẩn nấp. Ông nói nuôi Việt cộng là nối nghiệp cha ngày trước đã nuôi Việt minh. Nuôi chứa cách mạng nhưng ông không sợ bị phát hiện vì toàn dân ở đây một lòng đánh giặc. “Cá ở đây kiếm dễ lắm nên tôi kiếm rồi chia phần, rọng để dành cho bộ đội ăn. Nhà có khuôn bếp, khi bộ đội về, không bị địch càn quét thì vợ tôi bưng mấy cái bếp xuống đất để bộ đội có chỗ ngủ sạch sẽ”, ông Hai Trụ kể.

Kỷ niệm nhớ nhất với gia đình có lẽ là lần vợ ông chừa thức ăn, nấu súp, nhường hầm lớn, sạch cho bộ đội (Năm Châu) nghỉ ngơi khi mổ ruột thừa. Lần chăm sóc ấy làm cho Năm Châu đến giờ vẫn còn nhớ ơn. Ông Hai Trụ nói thêm: “Bộ đội và dân hồi ấy thương nhau như ruột thịt. Mình gan dạ, bí mật lo cho họ vững tâm, vững bụng đánh giặc cũng là một cách đánh giặc”.

Với ông Phạm Phước Tài, 88 tuổi, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, nuôi chứa bộ đội (năm 1960-1975) là danh dự. Những năm kháng chiến, nhà ông có hầm trú ẩn lớn, kín đáo, chắc chắn nên khi có động là bộ đội và dân vào ở khá đông (chứa hơn chục người). Có lần địch nã pháo vào ngay nắp hầm nhưng cả chục người trong hầm không hề hấn gì. Vậy là từ đó, hầm của ông Tài thêm nổi tiếng, bộ đội càng an tâm hơn khi về đây đồn trú.    

“Năm Mậu Thân 1968, tôi còn cho bộ đội 160 giạ lúa. Chết chóc hồi đó chỉ trong gang tấc, nhưng tôi cũng cho con trai 14 tuổi cầm súng đánh giặc. Cống hiến ấy không mong muốn gì hơn là nước nhà sớm giải phóng, thống nhất”, ông Tài bộc bạch.

Bản lĩnh

Ông Hai Trụ đến nay vẫn là… thường dân và luôn một lòng một dạ với quê hương. Sau ngày thống nhất đất nước, nghèo khổ đeo bám nhưng ông vẫn không chùn bước, luôn lương thiện làm đủ mọi nghề. Các con của ông nhờ chí thú làm ăn mà đến nay vươn lên khá giả. “Tôi luôn dạy con cháu rằng, nếu không có điều kiện phục vụ quê hương thì thôi chứ đừng phá phách. Rất mừng là tụi nó đều nghe theo”, ông Hai Trụ khoe.

Những con người của vùng đất giàu truyền thống cách mạng không chỉ bấy nhiêu đó. Nói chuyện với ông Võ Xuân Nghiêm, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, nguyên đại úy, nguyên Phó Chính trị viên Tiểu đoàn Tây Đô, mới thấy hết tài ứng biến, thao quân, đối địch; sự gan dạ, mưu trí, thiện chiến trong từng trận đánh lớn, nhỏ của ông và đồng đội. “Nói thật, hồi đó không sợ chết là gì; không bắn, không đánh giặc là ghiền nữa”, ông Nghiêm nói.

Hòa bình lập lại, rời quân ngũ, ông Nghiêm tiếp tục đóng góp cho quê hương thêm phát triển. Từng là Bí thư Chi bộ ấp, nay là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp 2, ông Nghiêm có những đóng góp thẳng thắn, tích cực cho xã nhà. Năm rồi, khi nước mặn xâm nhập, địa phương đắp đập ngăn mặn chậm nên nước mặn vào sâu trong nội đồng. Lúc đó, ông Nghiêm trực tiếp yêu cầu dỡ đập xả mặn cho dân nhờ, và yêu cầu đó được thực hiện ngay.

Từng giữ chức vụ quan trọng, chiến công lừng lẫy, nhưng ở địa phương, sự chấp hành của ông rất nghiêm. Ông cho biết đó là bản chất của người lính Cụ Hồ. Là lãnh đạo Chi hội Cựu chiến binh ấp, những gì thiết thực được ông phát động làm rất tốt trong chi hội; con cháu hội viên cựu chiến binh ấp luôn tiên phong, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, phong trào ở địa phương. “Tôi và anh em cũng rất quan tâm trong thay mặt nhân dân phản biện các vấn đề ở xã để bảo vệ lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương”, ông Nghiêm khẳng định.

Trong khi đó, với đảng viên, cựu chiến binh Phạm Văn Niên, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, sự sống và cái chết thời chiến không quan trọng thì thời bình, cái nghèo cũng không làm ông bận tâm. Năm 2004, khi được xét thuộc diện hộ nghèo, ông đã cự tuyệt không nhận. Ông Niên nói: “Do thấy có điều kiện làm ăn và có được chế độ nhà tình nghĩa rồi nên không muốn nhận thêm gì của Nhà nước nữa mà phải chí thú làm ăn để vươn lên”.

Ngọn lửa mới

Vĩnh Viễn, Phương Bình ngày nay vẫn còn khó. Vùng đất anh hùng sau chiến tranh luôn có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, tinh thần quật cường sau giải phóng đã giúp hai địa phương này từng bước ổn định, phát triển; tinh thần đổi mới của 30 năm trước đã làm Vĩnh Viễn, Phương Bình bật dậy.

Sử liệu 35 năm sau ngày giải phóng của hai xã này đúc kết: Để tiến bộ như hôm nay, trong quá trình phát triển phải xem sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi; phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phải kiên định và giữ vững nguyên tắc lấy dân làm gốc…

Phương Bình ngày nay đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu chính là hộ nghèo phải thoát nghèo bền vững; trong khi Vĩnh Viễn đang nâng chất 19 tiêu chí đã đạt được. Với chỉ mười mấy xã được chọn cho thấy, nhóm những địa phương xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới thì đất anh hùng luôn được tỉnh rất ưu tiên.

Hào khí những ngày tháng 4 lịch sử luôn để lại cho bao người con nước Việt nhiều cảm xúc. Nhớ lại lịch sử mà lòng quặn thắt, song nó đã biến tất cả đau thương thành hành động. Con người đất lửa rất bản lĩnh, kiên cường. Cha ông đã ngã xuống để hậu thế đứng lên xây dựng bức tường thành thêm sáng, sức sống thêm mạnh mẽ. Bức tranh nông thôn mới ở đây không chỉ là những nét vẽ mà là việc làm, hành động rất cụ thể từ những suy nghĩ mới, hành động mới.

Nhắc lại quá khứ bao nhiêu đó thật không đủ đối với trang sử vàng của dân tộc. Nhưng nhắc để thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của nhân dân Hậu Giang thì lúc nào cũng mang đầy ý nghĩa !

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>