Từ một nghị quyết có tính lịch sử của Đảng

12/12/2017 | 09:31 GMT+7

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt nguồn từ Nghị quyết của Bộ Chính trị được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 thông qua (1-1968) với mục tiêu: “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của nghị quyết.

Trên cơ sở sự đánh giá chính xác tình hình địch-ta của Trung ương từ tháng 6-1967, tháng 12-1967, Bộ Chính trị đã họp và ra Nghị quyết lịch sử “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

Sau khi điểm lại âm mưu cơ bản và những thất bại liên tiếp của địch, Bộ Chính trị nhận định: “Do những thất bại có tính chất chiến lược của Mỹ ở miền Nam và do những thắng lợi to lớn của ta trong Đông-Xuân này, địch khó có khả năng mở cuộc phản công mùa khô lần thứ ba. Xu thế của tình hình trong cả năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”.

Về phía ta, Bộ Chính trị nhận định: Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường; nhưng ta cũng có một số nhược điểm về đánh tiêu diệt lớn, công tác đô thị, bảo đảm vật chất trang bị, công tác binh vận...

Bộ Chính trị kết luận: “Điểm cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.

Từ sự phân tích và nhận định trên đây, Bộ Chính trị đề ra: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích-tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” nhằm đạt tới những mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Do ta tiến hành tổng công kích-tổng khởi nghĩa trong điều kiện địch còn trên một triệu quân và có tiềm lực chiến tranh lớn, cho nên việc tiến công của các lực lượng quân sự trên các chiến trường chính và việc nổi dậy của nhân dân ở các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy toàn cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa khắp cả ba vùng đô thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi.

Chính trị kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên cả hai miền biến quyết tâm chiến lược của Đảng giành thắng lợi quyết định trên chiến trường thành hành động cách mạng... quyết tâm giành thắng lợi quyết định trên chiến trường chính.

Chấp hành Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã mở đầu đòn tiến công của bộ đội chủ lực trên hướng Đường 9-Khe Sanh. Và trong dịp Tết Mậu Thân, nhằm lúc địch sơ hở, quân và dân ta trong toàn miền Nam đã tổ chức một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn, căn cứ quân sự, cơ quan đầu não và những vùng nông thôn còn bị địch kiểm soát giành thắng lợi chưa từng có.

Đêm 30 rạng sáng 31-1-1968, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đã Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp các chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở các thành thị lớn và trên các chiến trường chính với quy mô rất lớn:

- Tiến công và nổi dậy đồng loạt ở các thành thị, trong đó hầu hết các thành phố, thị xã lớn, làm chủ nhiều nơi trong nhiều ngày, nhiều giờ.

- Tiến công và đánh trúng rất nhiều cơ quan đầu não chỉ huy của địch như Đại sứ quán Mỹ, Dinh “Độc lập”, Bộ Tổng tham mưu ngụy, các bộ tư lệnh quân đoàn, quân binh chủng, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn Mỹ-ngụy và chư hầu, các tiểu khu, chi khu, quân sự.

- Tiến công hàng loạt các căn cứ quân sự và tuyến phòng thủ của địch, bao gồm 45 sân bay, hàng loạt kho tàng, trong đó có nhiều tổng kho và kho lớn như Long Bình, Nhà Bè, Liên Chiểu, Đà Nẵng... hàng loạt bến tàu, căn cứ hải quân địch.

- Tiến công hầu hết các hệ thống giao thông thủy bộ, làm tê liệt mọi hoạt động liên lạc, vận chuyển của địch.

Trên nhiều vùng nông thôn, có hoặc không có lực lượng vũ trang hỗ trợ, quần chúng đã nổi dậy mạnh mẽ đập tan bộ máy ngụy quyền và bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lược”, đập tan, bức rút nhiều hệ thống đồn bốt, giải phóng và giành quyền làm chủ, xây dựng chính quyền cách mạng, mở rộng và củng cố hậu phương ta.

Kết quả, chỉ trong vòng hai tháng đầu Xuân Mậu Thân (chủ yếu là từ đêm 30-1 đến cuối tháng 2-1968), ta đã diệt và làm tan rã từng mảng lớn quân ngụy, 147.000 tên bị diệt (có 43.000 tên Mỹ), số quân ngụy đào, rã ngũ là 20 vạn, số đơn vị bị diệt và bị thiệt hại nặng có 31 tiểu đoàn, 1 thiết đoàn và 5 chi đoàn thiết giáp, 195 đại đội; hiệu lực chiến đấu của quân ngụy giảm sút nghiêm trọng. Sinh lực quân Mỹ cũng bị tổn thất nặng: 5 tiểu đoàn và 69 đại đội bị diệt hoặc bị thiệt hại nặng.

Một khối lượng rất lớn phương tiện chiến tranh và vật chất bị phá hủy, nhiều khu kho, sân bay bị đánh phá: Hơn 200 kho xăng, gần 250 kho bom đạn, 66 sân bay, 77 khu kho bị đánh, 2.370 máy bay, 1.700 xe tăng và thiết giáp, hàng nghìn xe ô tô, 350 khẩu pháo, 230 tàu xuồng bị bắn cháy hoặc bị phá hủy, 1.368.000 tấn vật tư chiến tranh của địch bị phá hủy (chiếm 34% dự trữ chiến tranh của địch).

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 là bước phát triển tất yếu trong chiến lược tiến công của cách mạng miền Nam. Thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa hết sức quan trọng vì chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã làm thay đổi hẳn thế trận, đưa chiến tranh vào tận sào huyệt cuối cùng của địch, làm chuyển biến nhanh chóng so sánh lực lượng giữa ta và địch, rất có lợi cho ta, mở ra cục diện mới, tạo nên một thế chiến lược mới với những khả năng mới.

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa xuân Tết Mậu Thân đã nhằm giáng một đòn vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi rất oanh liệt của đòn Tổng tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Paris”.

Từ đó có thể thấy, Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12-1967 đã đánh giá tình hình hết sức đúng đắn, phân tích thời cơ rất khoa học, đề ra chủ trương chiến lược chính xác, sáng tạo và táo bạo để giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới.

Theo QĐND

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>