Trả lời kiến nghị của cử tri

12/06/2020 | 08:00 GMT+7

Cử tri thành phố Vị Thanh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc giữa ĐBQH và HĐND  tỉnh. Ảnh: T.T

Cử tri kiến nghị:

Chính phủ cần xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, quy hoạch, xây dựng nhà, môi trường...

Bộ Xây dựng trả lời:

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch và xây dựng nhà ở từng bước đi vào nề nếp, tinh thần, trách nhiệm, ý thức công vụ của cán bộ, công chức cũng như ý thức của người dân có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều công trình vi phạm không được phát hiện, thậm chí phát hiện nhưng không ngăn chặn kịp thời, xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm. Một số nơi còn có biểu hiện buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch, xây dựng nhà vẫn tái diễn, gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận xã hội.

Để xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về quản lý trật tự đô thị, quy hoạch và xây dựng nhà, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tăng cường nhiều giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm. Cụ thể:

Ngày 27/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 139 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động: Lập, phê duyệt dự án; khảo sát; thiết kế, dự toán; thi công; giám sát thi công; xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; vi phạm chỉ giới đường đỏ, lấn chiếm không gian...

Ngày 01/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, nhấn mạnh: “Công tác quản lý, kiểm soát thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển đô thị hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết của xã hội, của các cấp ủy đảng và của chính quyền địa phương các cấp”. Thủ tướng yêu cầu: “Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương”.

 Ngày 16/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1398 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng, trong đó giao Bộ Xây dựng “Tăng cường kiểm soát, quản lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng; dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị”.

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về trật tự xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo nguyên tắc tất cả các công trình xây dựng phải được cơ quan có trách nhiệm ở địa phương kiểm tra, giám sát theo quy định ngay từ khi khởi công đến khi hoàn thành; các vi phạm về trật tự xây dựng phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời và triệt để”.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quy hoạch và xây dựng nhà; tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ, công chức được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.

Trong Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng năm 2020, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại một số tỉnh, bộ chuyên ngành. Qua thanh tra phân tích, đánh giá tình hình, xử lý vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Đối với các nội dung kiến nghị khác, Bộ Xây dựng xin ghi nhận để phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Cử tri kiến nghị:

Thời gian qua, ở một số địa phương trong cả nước còn xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình, dự án lớn liên quan đến đất đai, như công trình xây dựng chưa được cấp phép, xây dựng sai phép; các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai tại địa phương, điển hình là vụ lừa đảo của Công ty Địa ốc Alibaba... Nguyên nhân cơ bản nhất là do sự luông lỏng quản lý, chậm phát hiện và thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm pháp luật về đất đai của các cấp chính quyền. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của người đứng đầu ở địa phương nơi để xảy ra các sai phạm để tạo niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.

Bộ Nội vụ trả lời:

Chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 107 ngày 22/9/2006 về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; Nghị định số 103 ngày 14/6/2007 về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định số 157 ngày 27/10/2007 về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Tại Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Với trách nhiệm được giao, thời gian tới, theo chương trình công tác của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là chế tài quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>