Trả lời kiến nghị của cử tri

28/04/2017 | 06:39 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nhiều hóa chất độc hại, dụng cụ vật lý trị liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ,... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; và thị trường hàng hóa trong nước, có mặt hàng nhập khẩu đã qua kiểm định hải quan, các bộ, ngành có liên quan, nhưng khi ra thị trường thì hàng hóa lại không đảm bảo chất lượng, nhất là hoàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, gây thiệt hại đến kinh tế đất nước. Việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây nhiều thiệt hại cho nông dân; việc xử lý sai phạm còn quá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại của người tiêu dùng…

Cử tri đề nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai cho nhân dân biết cụ thể về cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm và kết quả xử lý vi phạm.

Bộ Công thương trả lời:

Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực với thành viên là các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19 ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:

Ngành chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Châu Thành A. Ảnh: HỮU PHƯỚC

- Tại biên giới, trên biển: Lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.

- Trong thị trường nội địa: Các bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

- Trách nhiệm của chính quyền địa phương: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn; tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc của quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Trách nhiệm của Bộ Công thương: Phối hợp với cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm. Riêng năm 2016, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như:

+ Kế hoạch số 1630 ngày 26/2/2016 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 (thực hiện Kế hoạch số 03 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia);

+ Kế hoạch số 1635 ngày 26/2/2016 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm (thực hiện Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia);

+ Kế hoạch của Bộ Công thương (ban hành kèm theo Quyết định số 2650 ngày 28/6/2016) thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

+ Quyết định số 3835 ngày 23/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương về Kế hoạch tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ năm 2016-2017;

+ Kế hoạch số 11219 ngày 23/11/2016 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu  2017 (thực hiện Kế hoạch số 358 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Đồng thời, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành định kỳ, như: Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,... cũng như thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và hướng dẫn khắc phục các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm nâng cao hoạt động liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Công thương đã tích cực cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Các thành viên của Bộ Công thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra tại các địa phương được kiểm tra, góp phần tích cực vào công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người quản lý, người lao động trực tiếp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và bếp ăn công nghiệp tại các địa phương hiểu thêm nhiều kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện được nhiều vi phạm của các cơ sở không chấp hành quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Mặc dù đã chỉ đạo sát sao, tích cực, công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên được thực hiện, đã có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm và đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được như mong muốn của nhân dân và cử tri cả nước. Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục triển khai các giải pháp như sau:

- Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, Bộ Công thương đang hoàn thiện, trình ban hành Đề án chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm (Đề án 8) theo phân công của Chính phủ.

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa, thực phẩm khác là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tế.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an trong việc xử lý các đường dây, ổ, nhóm. Tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả như thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; trong thị trường nội địa, tập trung ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14 và Chỉ thị số 23 của Bộ trưởng Bộ Công thương để xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm cho công chức thực thi; chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường họp tiêu cực, tham nhũng vi phạm trong hoạt động công vụ.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng;

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>